Tìm lối thoát hiểm cho dịch tả lợn châu Phi
Theo Cục Thú y cho biết, tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 58 tỉnh, thành trên toàn quốc. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con, trọng lượng gần 130.000 tấn; thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng... Những số liệu sơ bộ trên cho thấy hiện dịch vẫn đang lây lan rất nhanh, kéo theo tổn thất tiếp tục gia tăng và có thể còn dẫn đến những thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều.
Cán bộ thú y cân lợn nhiễm dịch để tính hỗ trợ cho hộ chăn nuôi |
Về vấn đề này, trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã đưa ra những thông tin quan trọng: hiện chăn nuôi lợn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp. Giá trị ngành nông nghiệp nước ta hiện nay vào khoảng 1 triệu tỷ đồng thì riêng chăn nuôi lợn chiếm khoảng 94.000 tỷ, tức gần bằng 10%. Trong khi đó, thịt lợn thường chiếm tỷ trọng 70% trong cơ cấu về thịt của bữa cơm hàng ngày của người dân. Và đây cũng là khu vực đang giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ và 10.000 hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa. Do đó, nếu để xảy ra tình trạng dịch lan rộng và xâm nhập được vào số lớn hộ chăn nuôi lớn thì sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, đã đến lúc cả hệ thống chính trị và toàn dân phải vào cuộc, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp thì mới có thể khống chế và dập dịch thành công. Đồng thời, cần có các giải pháp căn cơ để ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói chung phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn dập dịch; theo dõi sát diễn biến thời tiết, thị trường để kịp thời điều chỉnh quy mô cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cùng với đó, xây dựng một kịch bản để ngoài việc chống dịch, còn phải làm sao khắc phục được hậu quả, tái đàn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trên tinh thần đó, nhóm giải pháp về kỹ thuật cần tập trung việc cố gắng ngăn chặn không để dịch bệnh tiếp lục lan rộng. Trong đó, biện pháp an toàn sinh học là “vũ khí” quan trọng nhất giúp ngăn lây lan. Bộ trưởng Cường cho biết, một thông tin tích cực là cho đến lúc này, tất cả các DN chăn nuôi lợn lớn đã làm triệt để giải pháp an toàn sinh học thì chưa có dịch bệnh. Do đó, nếu làm tốt biện pháp này sẽ giúp ngăn không để dịch lan tỏa tiếp, cần phải gia cố thêm các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt ở khu vực các hộ chăn nuôi lớn và các đàn giống gốc để sau này khi tình hình ổn định trở lại thì có điều kiện để tái đàn. Hiện Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học và các trung tâm lớn cũng đang tập trung nghiên cứu thêm về các biện pháp an toàn sinh học, nghiên cứu vắc xin để đối phó với bệnh dịch này.
Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện các biện pháp để thị trường thịt lợn không bị xuống giá vào thời điểm này và cũng để đề phòng giá thịt lợn sốt trong quý III, IV tới đây do khủng hoảng thiếu. Giải pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh cũng được Chính phủ khuyến khích với các DN có đủ điều kiện và khả năng, và Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan họp bàn để có giải pháp cụ thể.
Bộ trưởng Cường cũng cho biết, có thể giảm thiểu thiệt hại kinh tế bằng cách không tăng đàn lúc này (kể cả quy mô hộ chăn nuôi nhỏ hay lớn) vì như vậy, nguy cơ rủi ro rất cao. Cùng với đó, tập trung thúc đẩy tăng trưởng của khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trên cơ sở tăng trưởng có liên kết để vừa chống nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, vừa chống rủi ro về thị trường.
Đề xuất cần bố trí nguồn tài chính để hỗ trợ kịp thời cho người dân trong việc tiêu hủy lợn nhiễm dịch, đại biểu Phạm Văn Tuân, Thái Bình, cho biết, tính riêng Thái Bình đã tiêu hủy hơn 16.000 tấn với số tiền theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho người dân khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, thiệt hại thực tế của hộ chăn nuôi tính ra còn lớn hơn rất nhiều. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp cùng với các ngành tính toán để có một chính sách hỗ trợ và Nhà nước sẽ cố gắng tối đa trong điều kiện cho phép để Trung ương, địa phương và người dân cùng chung tay vào lúc khó khăn nhất này.
Tại cuộc họp do Bộ NN&PTNT chủ trì với đại diện 35 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, DN với lợn bị dịch buộc phải tiêu hủy, Cục Chăn nuôi đã đưa ra 2 phương án hỗ trợ: Theo số kg thực tế/con (với mức hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường); hoặc hỗ trợ theo số tiền cố định/trên con (phân theo 5 nhóm). Hầu hết các đại biểu đều thống nhất với phương án 1.