Điểm yếu của du lịch Việt
Du lịch ồ ạt giảm giá hè | |
Điều lạ lùng của du lịch Việt |
Tổng cục Du lịch cho biết, 2 quý đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 7,89 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017; khách du lịch nội địa ước đạt 42,8 triệu lượt; tổng thu từ du khách đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi cả căm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế.
Hướng dẫn viên thuyết minh tại Trung tâm Cải huấn Phú Hải – Trại Phú Tường, thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo, Vũng Tàu |
Nói như vậy để thấy tiềm năng của du lịch Việt là rất lớn. Thế nhưng hiện tại, cả nước mới có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu, vừa yếu; nhưng số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa.
Theo Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh: Tiềm năng của du lịch Việt Nam vượt trội hơn so với các nước trong khu vực. Dự báo thời gian tới tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25%-35%/năm và kế hoạch đến năm 2020, ngành công nghiệp không khói này cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng ngàn lao động lĩnh vực du lịch tàu biển.
Đặc biệt, hiện hàng loạt khách sạn 4, 5 sao liên tục được các DN lớn đầu tư đưa vào hoạt động, nên nguồn lao động chất lượng cao được "săn đón" quyết liệt. Trong khi đó, mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch.
Việc thiếu hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên chất lượng cao đang khiến các DN lữ hành đau đầu. Hiện cả nước có hơn 13.500 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ cho gần 13 triệu lượt khách quốc tế và hơn 7 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài; hơn 8.200 hướng dẫn viên nội địa phục vụ hơn 73 triệu lượt khách. Trong khi ước tính, để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa. Vào mùa cao điểm du lịch hè, tour trong nước bán chạy khiến các DN phải tuyển thêm hướng dẫn viên tự do.
Giám đốc Công ty Du lịch hàng không Avitour Nguyễn Trung Quân chia sẻ: “Bình thường, công tác phí của hướng dẫn viên nội địa khoảng 400.000 đồng mỗi ngày nhưng mùa này, trả 600.000 – 700.000 đồng cũng khó tìm người. Thậm chí, có hướng dẫn viên nhận lời đi tour nhưng đến phút chót lại hủy vì nơi khác trả công tác phí cao hơn”.
Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là lao động có kỹ năng đạt chuẩn, nhiều DN đã chủ động tổ chức mô hình “trường trong doanh nghiệp” và “doanh nghiệp trong trường” với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên. Tiêu biểu phải kể đến Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam thuộc Công ty Vietravel có khoảng 110 hướng dẫn viên đang làm việc chính thức và hơn 1.000 hướng dẫn viên cộng tác. Là đơn vị cung ứng nguồn nhân lực dẫn tour đầu tiên trong cả nước, nhưng đơn vị này cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu người khi vào mùa cao điểm.
Tương tự, Tổng Công ty Du lịch Saigontourist cũng mở Trường Trung cấp Du lịch - Khách sạn Saigontourist nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của đơn vị trong mùa cao điểm, chứ chưa nói tới việc cung cấp cho thị trường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đầu tháng 7, Trường Trung cấp Nghề du lịch Hà Nội đã thành lập công ty cung ứng nhân lực du lịch đầu tiên tại Việt Nam có tên THPRO. Công ty này sẽ tập hợp đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ trong ngành khách sạn, nhà hàng do chính Trường Trung cấp Nghề Du lịch Hà Nội đào tạo hoặc đã được đào tạo ở đơn vị khác để kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn chung châu Âu và tiêu chuẩn ASEAN.
Căn cứ kết quả kiểm tra, công ty sẽ xếp hạng sao tương ứng với kinh nghiệm, hiệu suất làm việc của lao động. Khi tham gia cùng THPRO, các DN sẽ dễ dàng trong công tác tuyển dụng nhân sự đúng yêu cầu, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo về chất lượng nhân sự và được đồng hành trong việc đánh giá chất lượng lao động. Còn người lao động sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, dễ dàng kết nối với các nhà tuyển dụng khác, được đào tạo nâng cao năng lực theo yêu cầu cá nhân để phục vụ cho công việc.
Thời gian qua, các cơ sở đào tạo và DN du lịch đã có nhiều nỗ lực, tuy vậy, các liên kết vẫn ở quy mô nhỏ, chưa thể khỏa lấp được “lỗ hổng” lớn về nhân lực du lịch hiện nay. Giới chuyên môn nhận định, trong khi chúng ta chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên về du lịch, tốc độ phát triển khách quốc tế và nội địa lại tăng trưởng mạnh từ 20 - 30%, thậm chí có thể đạt 35%, chẳng bao lâu nữa, những thiếu hụt về nhân lực du lịch sẽ là trở ngại lớn đối với ngành công nghiệp không khói.