Điện gió chùn bước đầu tư
Đầu tư Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau | |
Quảng Trị đầu tư 1.400 tỷ đồng xây nhà máy điện gió | |
Vốn tiếp sức cho điện gió Bạc Liêu |
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Ninh Thuận sau nhiều lần trì hoãn đã phải ra quyết định hủy bỏ chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện gió tại hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Lý do tỉnh Ninh Thuận đưa ra quyết định trên là vì NĐT dự án này - Tập đoàn IMPSA Singapore Pte - nhiều năm liên tục vi phạm tiến độ hoàn tất thủ tục đăng ký đầu tư theo các cam kết được đưa ra từ năm 2011.
Giá bán điện gió kém cạnh tranh là nguyên nhân chính khiến DN e ngại đầu tư |
Với việc hủy bỏ dự án điện gió có số vốn đăng ký dự kiến 2 - 3 tỷ USD tại Ninh Thuận như ở trên, danh sách những dự án điện gió tại Việt Nam bị ngưng trệ hoặc buộc phải chấm dứt đầu tư được kéo dài lên tới con số hàng chục. Bởi trước đó, trong năm 2015 hàng loạt các dự án như: dự án nhà máy điện gió Mũi Dinh, dự án điện năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity (Ninh Thuận); dự án điện gió Nhơn Hội (Bình Định), dự án điện gió Thuận Nhiên Phong, Phước Thể (Bình Thuận)… cũng đã phải “đắp chiếu” hoặc buộc phải tạm ngưng chủ trương đầu tư.
Bị nói quá về tiềm năng
Tìm hiểu thực tế cho thấy, việc đầu tư vào điện gió tại Việt Nam bắt đầu manh nha từ khoảng 7-8 năm trước. Cụ thể, vào thời điểm năm 2001, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố một nghiên cứu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, tương đương khoảng 513.360 MW, tức là gấp hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020.
Những thông tin tiềm năng như trên lập tức khiến cho các DN cả nước ngoài lẫn trong nước trở nên “sốt nóng” với việc đầu tư vào điện gió. Đặc biệt, từ năm 2011, Chính phủ chủ trương khuyến khích phát triển điện gió và cam kết giá mua điện gió ở mức 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 UScent/kWh) khiến cho hàng loạt các NĐT trong và ngoài nước nhảy vào lĩnh vực năng lượng mới này.
Chỉ trong vòng từ năm 2011-2012 có gần 50 dự án điện gió lớn, nhỏ được đăng ký đầu tư với tổng công suất lên tới 4.876 MW. Tiếp đó các năm 2013-2014 hàng loạt các dự án điện gió với số vốn đăng ký hàng tỷ USD được các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… cấp giấy chứng nhận đầu tư và hứng khởi kỳ vọng sẽ có thêm hàng nghìn MW điện từ gió trời và tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào điện gió không hề “dễ ăn” như những tư vấn lý thuyết của các cơ quan nghiên cứu. Thực tế, trong suốt các năm từ 2011, mặc dù có tới hàng trăm dự án điện gió tại Việt Nam được cấp phép triển khai nhưng mới chỉ có 3 dự án được hoàn thành và bắt đầu bán điện thương mại là các dự án điện gió Tuy Phong (Bình Thuận), điện gió đảo Phú Quý (Bình Thuận) và điện gió Bạc Liêu với tổng công suất chưa tới 60 MW.
Những dự án này sở dĩ hoàn thành đúng tiến độ là vì công suất thiết kế khá nhỏ và có được cơ chế vốn khá đặc thù: hoặc là được bảo lãnh từ Chính phủ hoặc được trực tiếp Tập đoàn Dầu khí quốc gia đầu tư nên không chịu các rủi ro về vốn và có thể cân đối được giữa giá bán điện với giá thành sản xuất.
Hầu hết các dự án khác đều không có được lợi thế như các dự án nói trên, chính vì vậy với giá bán 7,8 UScent/kWh, đa số các NĐT đều đối mặt với thua lỗ bởi chi phí xây dựng cho 1 MW điện gió hiện nay được tính toán trung bình khoảng 2 triệu USD; chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD. Như vậy để có lợi nhuận, giá bán điện gió vào lưới điện quốc gia phải ở mức 10,4 UScent/kWh (tương đương khoảng 2.300 đồng).
Hụt khoảng 500 MW so với mục tiêu
Năm 2011, sau khi ban hành Quyết định số 37/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Trong quy hoạch này, Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vào năm 2020 đạt 4,5%. Trong đó riêng điện gió phải đạt công suất 1.000 MW, chiếm 0,7% tổng công suất nguồn điện của cả nước.
Vào tháng 3/2016 vừa qua, có lẽ do nhận thấy hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện gió nảy sinh nhiều bất cập, hàng loạt các dự án lớn bị ngưng trệ nên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428 điều chỉnh một số chỉ tiêu trong Quy hoạch điện VII. Theo đó, mục tiêu phát triển điện gió đến năm 2020 được giảm từ mức 1.000 MW xuống còn 800 MW, đến năm 2030 kỳ vọng sẽ chỉ đạt mức 6.000 MW thay vì 6.200 MW như quy hoạch trước đây.
Mặc dù giảm chỉ tiêu đối với điện gió như trên, nhưng ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng) cho rằng, khả năng đến năm 2020 việc đạt con số 800 MW là khó có thể xảy ra. Bởi đến thời điểm cuối năm 2015 mới chỉ có 3 dự án điện gió được hoàn thành với công suất trên 50 MW. Trong thời gian tới với tiến độ hiện nay của các dự án thì khả năng chỉ có thêm 1-2 dự án được hoàn thành và đưa vào bán điện thương mại với tổng công suất khoảng 250 MW nữa. Điều này có nghĩa rằng mục tiêu 800 MW vào năm 2020 rất có thể sẽ hụt khoảng gần 500 MW.
Để khuyến khích đầu tư, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, Việt Nam nên vận dụng 3 hình thức đầu tư vào điện gió: Thứ nhất: tăng cấp vốn cho các NĐT tiềm năng (NĐTdùng vốn ODA, NĐT tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp) để hoàn thành các dự án lớn đặt nền móng cho sự phát triển điện gió bằng hiệu ứng liên kết. Thứ hai, cho vay ưu đãi lãi suất 6%/năm với các NĐT chiến lược (các nhà máy sản xuất tuabin, DN công nghiệp lớn và các quỹ tài chính liên quan) để phát triển nội địa hóa thiết bị phát điện. Thứ ba, kéo dài ưu đãi về thuế đối với các NĐT thương mại để các DN nhóm này cân đối trong việc bù trừ lợi nhuận và lãi suất vay vốn ở mức 10%/năm. |