Vốn tiếp sức cho điện gió Bạc Liêu
1. Bà Thạch Sếch, người nuôi tôm ở ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông (Bạc Liêu) kể: Ba năm trước, bắt đầu nuôi thủy sản nhưng thường xuyên chịu cảnh mất điện đột ngột. Có ngày điện cúp đến 8-9 lần, còn theo lịch mỗi tuần có 2 - 3 ngày cúp điện nên chúng tôi phải mua thêm máy phát điện chạy bằng xăng dầu để dự phòng. Thời gian đó, số hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu tăng nhanh, nhu cầu tiêu thụ điện rất lớn dẫn đến đường truyền quá tải, nguồn điện “khi thì mạnh, lúc lại xìu”.
Nghề nuôi tôm không thể thiếu vắng những thiết bị quạt nước sục khí lấy ô-xi, nếu điện chập chờn giờ nào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe từng con tôm giờ đó, nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh. Thông thường, một vụ nuôi kéo dài khoảng ba tháng rưỡi, trung bình mỗi ao trong ngày phải sục khí 5 giờ, từ tháng thứ ba cho đến khi thu hoạch phải chạy sục khí liên tục cả ngày.
Bà Sếch bộc bạch: “Trước phải dùng dự phòng thêm nguồn thủy điện, những lúc gần đến ngày thu hoạch, hai đứa con trai tôi phải thay phiên nhau ra canh chừng ở trạm biến áp cả ngày lẫn đêm. Khi điện có vấn đề là tôi điện thoại cho cháu leo lên trụ điện bật lại cầu dao ngay. Biết làm như thế nguy hiểm chết người, nhưng tôi không biết làm sao hơn, cả vốn liếng gia đình đổ hết vào tôm”.
Cùng chung nỗi niềm chập chờn điện đóm, ông Nguyễn Thanh Nhân (ấp Biển Đông A) hiện có 9 ao nuôi, trung bình mỗi ao lắp đặt 4 máy sục ô-xi loại 3 kW. “Tôi lãi thêm 10-15 triệu đồng cho mỗi ao nhờ dùng năng lượng điện gió thay cho chạy máy bằng dầu, mỗi ngày tốn khoảng 420.000 đồng/ao”. Theo ông Nhân, chi phí chạy máy sục khí bằng nguồn điện gió chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày.
Tháng 7/2013, nguồn điện gió đầu tiên được hòa vào lưới điện quốc gia và những khu vực dự án là nơi được cung cấp điện đầu tiên cho đến hôm nay. Điện gió không chỉ phục vụ cho đời sống người dân địa phương, mà còn đang phục vụ cho hơn 500 ha đầm nuôi tôm của xã Vĩnh Trạnh Đông nằm ngay dưới chân trụ tua-bin gió. “Từ ngày có dự án điện gió Bạc Liêu, tuy giá điện không giảm nhưng gia đình tôi và các hộ khác không phải nơm nớp lo sợ mất điện nữa”, bà Sếch hồ hởi nói thêm.
Theo báo cáo của Điện lực Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ sử dụng nguồn điện ổn định chiếm 97,67%, cao hơn 3,83% cùng kỳ năm 2013.
Điện gió đang phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất tôm nuôi tại Bạc Liêu
2. Dự án điện gió Bạc Liêu sử dụng vốn vay 1 tỷ USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US Eximbank) được triển khai tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ Việt Nam cũng chỉ định Ngân hàng Phát triển (VDB) thực hiện quản lý nguồn vốn vay từ 3 năm trước. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I và dự kiến giai đoạn II sẽ kết thúc, đóng điện vào cuối năm 2015.
Các thiết bị, công nghệ nhập khẩu phục vụ Dự án đều được miễn thuế nhập khẩu. Chủ đầu tư còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường. Ngoài ra, dự án điện gió còn được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Theo Ban quản lý Dự án, Công ty Công Lý - đơn vị trúng thầu thi công dự án điện gió Bạc Liêu - đang vay VDB với lãi suất 5,4%/năm để thanh toán cho các hợp đồng mua thiết bị chính của tua-bin (đầu máy, cánh quạt…) và các dịch vụ liên quan (kỹ sư, tư vấn…) với Tập đoàn General Electric (Hoa Kỳ). Cuối năm 2013, Công ty Công Lý cũng đã ký hợp đồng tín dụng với VDB thực hiện giai đoạn II Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu với vốn đầu tư khoảng 4.193 tỷ đồng. Kết thúc giai đoạn I, đã có 10 trụ tua-bin gió phát điện, dự kiến sẽ có thêm 52 tua-bin gió giai đoạn II phát điện vào cuối năm 2015.
Ông Tô Hoài Dân, Giám đốc Công ty Công Lý cho biết, nguồn vốn ngân hàng giải ngân rất thuận lợi. Với tổng hạn mức vốn vay tín dụng đầu tư giai đoạn II hơn 2.070 tỷ đồng, đến cuối tháng 9/2014 đã giải ngân 708,6 tỷ đồng, đạt 34,2% (bao gồm chi phí thiết bị 525,6 tỷ đồng, xây dựng 175,2 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng 7,8 tỷ đồng).
3. Gặp chủ đầu tư Dự án, họ cho biết đang tính tới việc mở chương trình du lịch sinh thái, nuôi trồng nông - lâm - hải sản trên diện tích bờ biển. Bởi khi Dự án hoàn thành, sẽ hình thành một cảnh quan rộng 500 ha với 62 trụ tua bin có những cánh quạt khổng lồ quay vù vù từ phường Nhà Mát qua Vĩnh Trạch Đông đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng, trở thành một sản phẩm du lịch vàng cho đất biển Bạc Liêu. Được biết, Công ty Du lịch Go (TP. Hồ Chí Minh) đã xây dựng xong Chương trình thăm điện gió Bạc Liêu với tên gọi “Lắng nghe hơi thở của gió” để đón đầu khi dự án hoàn thành.
Những ngày cuối năm 2014, Công ty Công Lý đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ những hạng mục quan trọng của Dự án để đưa vào vận hành, khai thác vì phải đảm bảo trả vốn vay theo đúng kỳ hạn đã ký kết với VDB. Tuy vốn không thiếu, nhưng theo quan sát của chúng tôi, dự án giai đoạn II đang có dấu hiệu chững lại trong năm 2014. Nguyên do được cho là bị vướng mắc một số thủ tục pháp lý và cơ chế triển khai chậm được phê duyệt; do thi công các móng trụ rơi vào mùa gió chướng, sóng to. Nhưng chắc rằng, họ sẽ vượt qua để đem lại cơ hội mới cho cuộc sống của người dân ven biển nơi đây.
Ông Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu cho biết, lãnh đạo tỉnh đã sớm thống nhất chủ trương xây dựng nguồn điện gió nhằm tạo sự đột phá về kinh tế cho tỉnh Bạc Liêu. Chính phủ đã phê duyệt lộ trình tăng giá bán điện cho dự án từ 7,8 cent/kWh lên 9,8 cent/kWh, giúp chủ đầu tư yên tâm thực hiện dự án, đồng thời rút ngắn được thời gian thu hồi vốn so với dự kiến ban đầu.
Ghi chép của Thu Hiền