Đổi mới phương thức sử dụng vốn Nhà nước
Thành công trong thoái vốn DNNN | |
Hàng tốt không lo ế | |
Phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 |
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Công tác cổ phần hoá (CPH) DNNN đã đi qua một năm tương đối thành công. Chỉ tính riêng số tiền thu được từ đợt thoái vốn khỏi Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đạt gần 110.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD), vượt xa chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2017 là 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc thoái vốn với mệnh giá cao, mang lại nguồn lực lớn cho nền kinh tế sẽ chỉ là thành công một nửa nếu số tiền này không được sử dụng hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, nên dành một phần hợp lý từ số tiền thu về qua thoái vốn Nhà nước vào đầu tư phát triển thông qua hệ thống ngân hàng để sử dụng minh bạch, hiệu quả và góp phần bảo toàn vốn của Nhà nước.
Chính phủ đã khẳng định số tiền thu về từ CPH DNNN sẽ được chi vào đầu tư phát triển, tuy nhiên hình thức như thế nào còn chưa được chốt lại. Tại sao ông lại đề xuất đưa số tiền này vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại bối cảnh nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm tới đây. Trước hết là đối với nền kinh tế, các lĩnh vực tạo ra tăng trưởng đột phá trong năm 2017 sẽ khó có thể tiếp tục duy trì xu thế này trong năm 2018. Vì vậy đến nay hầu hết các dự báo đều khẳng định rằng kịch bản nền kinh tế bứt tốc như năm vừa qua sẽ khó lặp lại nếu chỉ tiếp tục trông chờ vào các nguồn lực này. Tuy nhiên trong bối cảnh năm vừa qua lại có một yếu tố mới xuất hiện, đó chính là các khoản tiền rất lớn từ công tác CPH.
Với động tác thoái vốn quyết liệt trong những tháng cuối năm, chúng ta thoái gần 54% vốn Nhà nước tại Sabeco và thu về gần 5 tỷ USD trong một khoảng thời gian rất ngắn. Xét theo chỉ tiêu thực hiện CPH DNNN, năm 2017 tuy không đạt chỉ tiêu số lượng nhưng chỉ với một DN là Sabeco, số tiền chúng ta thu lại được đã cao gấp 50 lần so với kế hoạch, mang lại một khoản thu lớn cho ngân sách Nhà nước năm 2017. Việc sử dụng nguồn tiền này một cách hiệu quả sẽ đặt ra vấn đề cho điều hành vĩ mô năm 2018.
Đối với ngành Ngân hàng, Chính phủ đã có quyết định về việc tiếp tục tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2 và Quốc hội đã có nghị quyết để hỗ trợ xử lý nợ xấu. Chính sách đã có, vấn đề là cần nguồn lực để thực thi.
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc lại rằng hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế và cho tới nay vẫn là kênh hiệu quả nhất để đưa nguồn lực vào đầu tư. Nếu xử lý tốt phần vốn bán của các DNNN để kết hợp hài hoà giữa trả nợ với đầu tư vào thị trường tín dụng thì sẽ tạo ra được chuyển biến lớn đối với nền kinh tế và cả hệ thống ngân hàng.
Xét trên tất cả các góc độ, phương án này kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ, tài khoá của năm 2018 và các năm tiếp theo, sẽ tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng xuất phát từ việc sử dụng chính nội lực của đất nước.
Cụ thể thì phương án sử dụng số tiền này qua hệ thống ngân hàng là như thế nào và theo ông sẽ mang lại hiệu quả ra sao?
Tôi cho rằng có thể dùng một phần của số tiền này để giao cho NHNN tiến hành tái cấp vốn cho các TCTD, như vậy sẽ đạt được mục tiêu kép. Thứ nhất là đưa vốn vào đầu tư đúng địa chỉ và phát huy hiệu quả, ổn định thị trường tiền tệ. Chúng ta thấy rằng 1 đồng bỏ vào ngân hàng tạo ra sức hút tới 7 đồng từ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư khác, còn cao hơn sức hút của lĩnh vực bất động sản.
Khi tiến hành tái cấp vốn cho các NHTM Nhà nước, trước hết sẽ nâng vốn các ngân hàng này lên và giúp ngân hàng có khả năng huy động nhiều hơn, room tín dụng mở ra. Khi room tín dụng lớn hơn thì một mình ngân hàng đó có thể đứng đầu một liên danh cấp vốn để đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia, ví dụ vay vốn mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, xây dựng các nhà máy điện, hoặc đầu tư các tuyến đường cao tốc phía Đông đã được Quốc hội phê duyệt…
Xét đến hiệu quả kinh tế, tôi lấy ví dụ nếu trích 30.000 tỷ đồng giao cho NHNN tái cấp vốn cho các NHTM cho vay đầu tư với lãi suất 8-9%/năm, so với vay trung hạn thì mức như vậy là tương đối hợp lý. Tạm tính lãi suất ở mức 8% thì trong 1 năm ngân hàng thu về 2.400 tỷ đồng tiền lãi, trừ đi 1-1,5% số đó là chi phí nhân công, chi phí quản lý dự án của các ngân hàng, thì lợi nhuận thu về là khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Như vậy trong vòng 10-15 năm có thể trả lại cho Nhà nước 30.000 tỷ đồng.
Lợi ích thứ hai là việc tái cấp vốn này sẽ hỗ trợ cho các TCTD hàng đầu của Việt Nam lớn lên và tiếp cận được với những quy định hiện đại của các ngân hàng trên thế giới mà điển hình là các tiêu chuẩn Basel II và Basel III. Chúng ta biết rằng bài toán hiện nay đặt ra cho các TCTD có phần vốn góp của Nhà nước là nếu muốn trở thành TCTD thuộc top 10 hoặc top 50 của khu vực và châu Á thì phải tăng vốn.
Tuy nhiên hiện nay đối với các NHTM Nhà nước như VietinBank, Vietcombank… thì các cổ đông ngoại hoặc các thành phần kinh tế khác đều sẵn sàng nâng vốn để nâng quy mô vốn tự có của ngân hàng lên, từ đó họ có khả năng được nới room huy động tín dụng hơn nữa. Nhưng phía Nhà nước, từ năm 2014 theo nghị quyết của Quốc hội, phần lợi nhuận thu được của DNNN phải nộp về ngân sách Nhà nước và không được dùng để tái đầu tư phát triển DN. Việc đầu tư phải thực hiện theo đúng Luật Đầu tư công.
Vì vậy, NHNN với tư cách chủ sở hữu cũng phải tuân thủ quy định nên không thể nâng vốn của Nhà nước tại các ngân hàng. Với trình độ, khả năng hiện tại của chúng ta trong lĩnh vực ngân hàng so với khu vực và thế giới còn có khoảng cách. Nếu không phát huy nội lực trong nước để hỗ trợ các ngân hàng này lớn lên thì khó có điều kiện bứt phá vươn lên theo kịp trình độ các TCTD quốc tế.
Với động tác thoái vốn quyết liệt trong những tháng cuối năm, chúng ta thoái gần 54% vốn Nhà nước tại Sabeco và thu về gần 5 tỷ USD |
Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều công trình, dự án đầu tư từ vốn Nhà nước nhưng kém hiệu quả, để lại nhiều rủi ro lớn cho nền kinh tế khi biến nghĩa vụ nợ của DN thành nợ quốc gia. Theo ông với hình thức cấp vốn qua ngân hàng, vấn đề này có được giải quyết?
Như tôi đã nói, việc đưa số tiền từ CPH vào nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng sẽ giúp đồng vốn không chỉ được sử dụng minh bạch, hiệu quả mà còn bảo toàn vốn của Nhà nước. Với phương án này, các DN sẽ có ý thức phải phát huy tự chủ tài chính theo hướng tự vay tự trả. DN phải tự chứng minh được tính hiệu quả của dự án đầu tư và không còn tâm lý có thể dựa dẫm vào “bầu sữa” Nhà nước.
Khi chuyển giao trách nhiệm xét duyệt, cấp vốn sang cho các NHTM, Chính phủ cũng đã buộc DN phải tính toán cẩn trọng và có trách nhiệm hơn với đồng vốn huy động. Bởi dù lãnh trách nhiệm này thay cho Nhà nước, song các NHTM cũng phải tính toán, không phải bất cứ DNNN nào, hay khoản vay nào cũng sẽ được phê duyệt nếu thiếu tính hiệu quả. Đây là phần vốn Nhà nước cấp cho ngân hàng vay để hoạt động kinh doanh và việc sử dụng hiệu quả hay không là trách nhiệm của phía ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!