Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước
Ngành Ngân hàng: Nâng cao hơn nữa hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp Cải tiến hệ thống quản lý vốn nhà nước, tạo động lực cho doanh nghiệp |
Các ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh mới với yêu cầu tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), việc sửa đổi Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là vấn đề cấp bách. Dự thảo Luật này không chỉ nhằm giải quyết những bất cập trong Luật số 69/2014/QH13 mà còn nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế và quản lý vốn nhà nước một cách hiệu quả, toàn diện.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Về sự cần thiết ban hành Luật, Chính phủ cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được đề xuất nhằm giải quyết các hạn chế còn tồn tại của Luật số 69/2014/QH13. DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhưng các quy định hiện hành đã không còn phù hợp, giới hạn sự linh hoạt và tự chủ của các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và phát triển. Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và tối ưu hóa nguồn lực, Chính phủ đã nhận thấy cần thiết phải cải tiến hệ thống quản lý vốn nhà nước để đáp ứng các mục tiêu phát triển mới và tạo động lực cho các DNNN.
“Việc ban hành Luật này không chỉ nhằm khắc phục những bất cập hiện có mà còn đặt nền móng cho việc đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chủ quản và giảm thiểu can thiệp hành chính không cần thiết, từ đó tạo động lực cho các DNNN phát triển bền vững và đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc dân”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc sửa đổi Luật là vô cùng cần thiết để tạo điều kiện cho các DNNN tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước. Theo ông, một trong những điểm quan trọng nhất là giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà và cắt giảm cơ chế xin-cho, đồng thời cần có sự tách bạch rõ ràng giữa vai trò quản lý nhà nước và quyền sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu luật không làm rõ những vấn đề này, sẽ rất khó để các doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý rằng: Dự thảo Luật phải tuân thủ theo đúng tinh thần của Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết của Đảng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần phải làm rõ hơn vai trò và chức năng của các bộ, ngành cũng như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trong việc điều hành và quản lý DNNN. Việc phân cấp quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng để tránh sự chồng chéo và đảm bảo hiệu quả quản lý.
Vấn đề về quyền tự chủ của doanh nghiệp là một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cần phải tránh can thiệp quá mức vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo bà Thanh, DNNN nên có quyền tự chủ trong quản trị và phát triển, đặc biệt là trong việc sử dụng quỹ đầu tư phát triển và phân phối lợi nhuận. Việc đưa ra các quy định hạn chế về quỹ đầu tư phát triển có thể ảnh hưởng đến khả năng tự chủ của doanh nghiệp và đi ngược lại với tinh thần bình đẳng trong kinh doanh.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhấn mạnh việc cần phải tách biệt rõ ràng giữa vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản lý nhà nước. Ông Tùng cho rằng, nếu không làm rõ những vấn đề này sẽ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp bị can thiệp quá mức từ các cơ quan quản lý, điều này ảnh hưởng đến tính độc lập và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc phân định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của Nhà nước mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Một trong những yếu tố quan trọng để dự thảo Luật có thể triển khai hiệu quả là tính đồng bộ với các luật khác, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng. Ông Hoàng Thanh Tùng đề xuất dự thảo Luật cần phải được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính liên kết và đồng bộ với các luật liên quan. Theo ông, việc không có sự đồng bộ giữa các luật sẽ dẫn đến xung đột pháp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai các quy định trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh: Quốc hội cần phân định rõ quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ và các bộ để tránh sự chồng chéo trong quản lý. Nếu dự thảo Luật không làm rõ những phân định này sẽ dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan quản lý chồng lấn chức năng của nhau, gây khó khăn trong quá trình triển khai và giám sát.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đã nêu lên sự cần thiết của việc phân định rõ ràng quyền hạn giữa Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là về các quy định chi tiết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và nhiều ý kiến đều đồng tình cho rằng, những nội dung chi tiết như thủ tục hành chính, quản lý quỹ nên để Chính phủ quy định chi tiết qua các nghị định và thông tư. Điều này không chỉ giúp cho luật tập trung vào các nguyên tắc quan trọng mà còn tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình triển khai.
Các đại biểu cũng cho rằng, các điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật cần phải rõ ràng và chi tiết hơn để đảm bảo quá trình chuyển giao từ luật cũ sang luật mới diễn ra thuận lợi. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, nếu các điều khoản chuyển tiếp không rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tuân thủ các quy định mới.