Đón đầu cơ hội từ Hiệp định CPTPP
Tham gia CPTPP có lợi lớn cho Việt Nam | |
Điểm tựa kinh tế châu Á tiếp tục vươn xa | |
Thỏa thuận CPTPP: Cú đột phá chiến lược |
Vượt lên lợi ích kinh tế, hiệp định này sẽ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và thay đổi toàn diện môi trường kinh doanh. Nhưng nếu không tận dụng được CPTPP, không chỉ lãng phí những lợi ích to lớn mà rất có thể còn là phải chịu thiệt hại nặng nề.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký vào ngày 8/3/2018 tại Santiago (Chi Lê). Hiệp định này sẽ tác động tích cực đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh và khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố chính thức rút khỏi TPP, đã có lúc tưởng như TPP đi vào ngõ cụt. Nhưng với tư cách là nước chủ nhà APEC, Việt Nam đã phối hợp với Nhật Bản và các nước khác để duy trì TPP. Và bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, 11 nước còn lại đã đạt được thỏa thuận về nội dung và tên gọi mới của TPP là CPTPP. Ngày 8/3/2018 hiệp định chính thức được ký.
DN chủ động để được chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn |
Không còn Hoa Kỳ nhưng CPTPP vẫn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương). CPTPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao vì nó không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống (cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại) mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống (như lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ, DNNN).
CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về sự minh bạch đối với hàng hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao khi đã duy trì tới 90% nội dung của TPP.
Về tổng thể, CPTPP có lợi cho Việt Nam. CPTPP có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Về kinh tế, CPTPP thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, và các nước mà Việt Nam chưa ký FTA như Canada, Mehico. Với các nước mà Việt Nam đã ký FTA thì Việt Nam có lợi ích hơn vì CPTPP có những cam kết lớn hơn FTA. CPTPP cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với đầu tư nước ngoài.
“Phần quan trọng khác chính là việc giúp ta cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài”, theo Bộ Công thương. Và CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
CPTPP là một hiệp định toàn diện, tiến bộ, tiếp tục hầu như phần lớn các tiêu chuẩn cao của TPP trong các vấn đề quy tắc phía sau đường biên giới, như sở hữu trí tuệ, bảo hộ đầu tư, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, lao động, môi trường… Do đó, chuẩn bị cho CPTPP không chỉ là câu chuyện về tận dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa, mà bao trùm hơn, đó còn là câu chuyện rà soát sửa đổi pháp luật, thể chế kinh tế cho phù hợp với các tiêu chuẩn cao này đồng thời bảo đảm tốt nhất lợi ích của DN và nền kinh tế.
Âu lo hiện hữu
Tác động của CPTPP nhìn chung là tích cực, tuy nhiên, những âu lo vẫn hiện hữu, thậm chí tăng lên ở một số vấn đề, theo bà Trang. Đó là sức ép cạnh tranh từ đối thủ không hề giảm đi. Đó là thách thức với cơ quan Nhà nước là làm sao cả bộ máy ban hành, thực thi chính sách hiểu đúng về cam kết và xác định được đường hướng sửa đổi chính sách, pháp luật nội địa theo hướng thích hợp.
Thách thức cũng đặt ra với DN, trong việc hiểu các cam kết thể chế rất phức tạp này, tìm được trong đó các xu hướng chính sách có lợi cho mình. DN phải liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội DN để vận động và tham gia vào quá trình rà soát và điều chỉnh pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền thực thi cam kết CPTPP.
Quá trình thực thi các FTA trước đây cho thấy những công việc chuẩn bị không hề đơn giản. Với CPTPP điều này còn phức tạp hơn nhiều lần. Nhưng không có lựa chọn khác. Không tận dụng được CPTPP không chỉ đơn thuần là lãng phí những lợi ích to lớn mà rất có thể còn là phải chịu thiệt hại nặng nề. Đó có thể là thiệt hại trong cạnh tranh với các đối thủ mạnh, đặc biệt khi CPTPP mở rất rộng các thị trường dịch vụ. Đó có thể là thiệt hại nếu phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt có liên quan tới việc thực thi các cam kết. Nhưng bà Trang đang có cảm nhận “trong một năm qua khi việc đàm phán ký kết hiệp định chững lại thì dường như nỗ lực tìm hiểu của DN về hiệp định cũng chững lại”.
Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang lại và lộ trình hội nhập sắp tới thuận lợi hơn. Theo bà Trang, trong CPTPP các vấn đề về thể chế, pháp luật rất quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng DN tận hưởng được bao nhiêu lợi ích mà CPTPP mang lại. Bắt đầu từ nay, đây là giai đoạn vàng, DN và Chính phủ cùng các cơ quan chức năng phải cùng tham gia, cùng thay đổi chính mình, cùng cải cách. DN phải thay đổi để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được các cam kết, tận dụng được cơ hội.
Bà Trang hy vọng các DN và cơ quan Nhà nước có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Hiệp định quan trọng này. Muốn tận dụng được cơ hội thì DN phải “bơi được” như cá và cần có môi trường nước trong sạch để bơi. Như vậy đòi hỏi phải cải cách mạnh hơn. Cải cách là áp lực của cam kết quốc tế nhưng cũng là nhu cầu nội tại.
Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, để tận dụng được các lợi ích CPTPP mang lại, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
DN cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.