Điểm tựa kinh tế châu Á tiếp tục vươn xa
Thành tựu trong năm 2017
Có thể coi sự kiện 11 nước tham gia ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trừ Mỹ ký kết văn kiện nền tảng về hợp tác, đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa qua tại Việt Nam, là điểm nhấn của quá trình thúc đẩy tự do hoá thương mại toàn cầu trong năm 2017.
Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có thể tăng trưởng lên tới 5,4% trong năm 2018 |
CPTPP không những được xem là “sự hồi sinh” ngoạn mục của TPP, mà còn cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong việc đẩy mạnh hợp tác và hội nhập. Cái tên mới của thỏa thuận không chỉ phản ánh ý chí của 11 nước trong việc đẩy nhanh đàm phán, đảm bảo hiệp định có chất lượng và cân bằng lợi ích các bên, mà còn hướng tới sự phát triển tích cực, tiến bộ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội, hướng tới xây dựng Cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Tuyên bố Đà Nẵng cũng nêu ra các vấn đề dài hạn, quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình phát triển kinh tế APEC và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2017 còn đánh dấu mốc lịch sử 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới hàng loạt các nước ASEAN đã phần nào cho thấy tầm vóc cùng những ảnh hưởng của khu vực.
Năm 2017, ASEAN cũng đã thể hiện rõ nỗ lực đi đầu xây dựng và đàm phán các hiệp định thương mại chất lượng cao, với việc ký Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (Trung Quốc), cũng như đạt được bước tiến mới trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác để đi đến ký kết thỏa thuận này trong năm 2018.
RCEP hứa hẹn tạo thành khối thương mại khổng lồ, chiếm 50% dân số thế giới, 39% GDP và 25% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, góp phần làm cho kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới phục hồi ổn định, chắc chắn hơn.
Đặc biệt, với sự tăng trưởng ngoạn mục, trong năm qua, 3 nền kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2017 ước đạt 6,8%, tăng 0,1% so với năm 2016. Trong khi đó, Hàn Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 6 trên thế giới, vượt 2 bậc so với năm 2016.
Đây là kết quả của 13 tháng liên tiếp tăng trưởng trong xuất khẩu. Còn nền kinh tế nước Nhật cũng không kém cạnh. Chính sách Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe với ba mũi nhọn chính là chi tiêu chính phủ, nới lỏng định lượng và cải cách rộng khắp được thực hiện với những tính toán khoa học đã giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại sau nhiều năm đình trệ.
Triển vọng xán lạn
Sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới (3,7%), cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) - hãng tư vấn có trụ sở ở London (Anh) dự báo Ấn Độ có thể vượt "hai đàn anh" là Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2018. Theo cơ quan này, nền kinh tế Ấn Độ - hiện đứng thứ 7 thế giới - có thể thăng lên hạng thứ 5 vào năm sau và chiếm giữ vị trí thứ 3 thế giới trong năm 2030.
Cũng theo báo cáo của CEBR, năng lượng rẻ và cách mạng số sẽ dẫn dắt toàn bộ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của thế giới sẽ chủ yếu tập trung ở các nền kinh tế châu Á trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Dự báo, từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ lọt nhóm 25.
Thậm chí CEBR còn cho rằng Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể sẽ bị Trung Quốc "vượt mặt" vào năm 2030 và Ấn Độ có thể chiếm giữ vị trí nền kinh tế đầu tàu thế giới trong nửa cuối thế kỷ này. Trong khi đó, theo điều tra của PricewaterhouseCoopers (PwC), được công bố vào tháng 2/2017, đến năm 2030, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới có tới 4 nước châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia.
Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định rằng các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về châu Á, còn tỷ trọng của các nước phát triển sẽ giảm dần.
Tuy nhiên, báo Le Monde (Pháp) cũng lưu ý rằng không nên tự mãn với các thành tựu vừa đạt được. Một số nền kinh tế tiến rất nhanh, nhưng GDP tính theo đầu người lại thấp hơn so với các nước phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2016, thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 15% so với dân Mỹ, Ấn Độ chỉ bằng 3%.
Ngoài ra, châu Á cũng phải đương đầu với một số thách thức, như tìm ra những nguồn tăng trưởng mới, duy trì đà tăng trưởng của khu vực, thúc đẩy tự do thương mại trong bối cảnh ngày càng nổi lên nhiều những quan điểm chống toàn cầu hóa và chống bảo hộ thương mại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cảnh báo châu Á đang đối mặt với nguy cơ ngọn lửa chiến tranh có thể bùng lên bất kỳ lúc nào sau những lời đe dọa sử dụng vũ lực trên bán đảo Triều Tiên.