Đón đầu tiềm năng tài chính tiêu dùng
SHB hợp tác phát triển nhân lực chất lượng | |
SHB: Lợi nhuận trước thuế đạt 788,5 tỷ đồng |
SHB khẳng định vị thế với phong cách phục vụ chuyên nghiệp |
Từ tiên phong nhận sáp nhập ngân hàng…
Theo các chuyên gia ngân hàng, một trong những thành công của Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 phải nhắc đến vai trò của một số ngân hàng tiên phong tham gia triển khai nhiệm vụ này. Chắc chắn giới tài chính – ngân hàng vẫn còn nhớ sự kiện năm 2012, khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nhận sáp nhập thành công Ngân hàng Cổ phần Nhà Hà Nội (HBB).
Đây là ngân hàng đầu tiên đi đầu trong việc thực hiện nhận sáp nhập một ngân hàng khác ngay khi đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD được triển khai. Tất nhiên, bên cạnh những lợi thế khi sáp nhập HBB vào SHB, ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn trong công tác ổn định tổ chức bộ máy, chuyển đổi thương hiệu, tích hợp hệ thống công nghệ, xử lý nợ xấu tồn đọng của HBB…
Tuy nhiên, SHB luôn khẳng định quyết định trên là đúng đắn bằng những thành công tiếp nối thành công từ sau khi nhận sáp nhập. Kể từ năm 2012 đến nay, SHB không ngừng tăng trưởng về quy mô, mạng lưới hoạt động, thị phần mở rộng không chỉ ở trong nước mà còn ở Lào và Campuchia.
Và đặc biệt SHB đã góp phần đáng kể vào sự thành công của chương trình tái cấu trúc của NHNN, tái cấu trúc các doanh nghiệp, trong đó điển hình là công ty Thủy sản Bình an, đưa công ty này từ nguy cơ phá sản trở lại hoạt động ổn định và tiếp tục phát triển.
Từ một ngân hàng có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, đến nay, SHB đã trở thành một ngân hàng TOP 5 các NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam với quy mô lớn, có năng lực tài chính vững mạnh, có uy tín cao trên thị trường tài chính tiền tệ. Theo kết quả kinh doanh mới nhất, tính đến 30/9/2016, tổng tài sản của SHB đạt hơn 215.000 tỷ đồng, vốn tự có đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của NHNN đạt 788,5 tỷ đồng, tăng 8,36% so với 9 tháng đầu năm 2015; Tổng vốn huy động đạt hơn 198.359 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường I đạt 176.367 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015, đảm bảo tính thanh khoản trong toàn hệ thống, thể hiện tính ổn định, bền vững trong tăng trưởng nguồn vốn huy động của SHB.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng dư nợ SHB đạt hơn 147.340 tỷ đồng - tăng 12,1% so với cuối năm 2015. SHB đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của NHNN với tổng dự phòng gần 2.600 tỷ đồng.
Với mạng lưới rộng gần 500 điểm giao dịch ở Việt Nam, Lào và Campuchia, SHB đang phục vụ gần 4 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
…Đến công ty con tài chính tiêu dùng
Ngoài yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng, việc sáp nhập còn giúp tái cấu trúc lại các công ty tài chính và cũng như giúp các tập đoàn nhà nước thoái vốn vì trên thực tế, tái cấu trúc các công ty tài chính cũng là một phần trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của chính phủ và NHNN.
Thời gian vừa qua cũng đã có hàng loạt thương vụ hợp nhất sáp nhập công ty tài chính vào ngân hàng, có thể kể đến các thương vụ như HDBank đã ký hợp đồng mua lại 100% vốn của Công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF, thuộc Tập đoàn tài chính Société Générale của Pháp); mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) của Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin)…
Chính vì vậy, nhận thấy nhiều tiềm năng và cơ hội trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Đại hội đồng cổ đông bất thường SHB (tháng 10/2015) đã thông qua chủ trương thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng SHB để đẩy mạnh phát triển ở mảng bán lẻ theo đúng mục tiêu chiến lược của ngân hàng.
Theo lãnh đạo SHB, đây được xem như cơ hội lớn khi nhận sáp nhập một TCTD khác để hình thành công ty con của SHB hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, giúp SHB khai thác tiềm năng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng và hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) là một lựa chọn tối ưu và phù hợp với mục tiêu của SHB.
Tháng 9 vừa qua, NHNN đã có Công văn số 6812/NHNN-TTGSNH chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập VVF vào SHB theo đề án sáp nhập đã được Đại hội đồng cổ đông SHB và Đại hội đồng cổ đông VVF thông qua; Chấp thuận việc thành lập công ty con là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng của SHB.
Việc nhận sáp nhập VVF sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho SHB hậu sáp nhập dựa trên mối quan hệ sẵn có của VVF với các cổ đông sáng lập là Viettel, Vinaconex. Nhận sáp nhập VVF là một chiến lược tất yếu đem lại cơ hội rất lớn cho SHB trong việc mở rộng danh mục khách hàng của mình với chuỗi sản phẩm mới, hỗ trợ sự phát triển của SHB thông qua việc bán chéo một số các sản phẩm ngân hàng, tạo tiền đề phát triển bền vững trong tương lai.
Thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu, tuy nhiên theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, tài chính tiêu dùng là một thị trường giàu tiềm năng bởi Việt Nam với hơn 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính cho mục đích tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn. Với mức thu nhập ngày càng được cải thiện của hơn 51% dân số ở độ tuổi “vàng”, thị trường tài chính cá nhân đang có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Trong 10 năm vừa qua, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và dự báo sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai, với mức tăng bình quân từ 20-30% cho tới năm 2019. Đây thực sự mảnh đất màu mỡ cho các ngân hàng khi tham gia thị trường này.
Ngay sau khi nhận sáp nhập VVF, SHB sẽ thành lập Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (viết tắt là Công ty tài chính tiêu dùng SHB), với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. |