Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Có nên giao quyền tự quyết cho địa phương?
Chính phủ đề nghị sửa Luật Đầu tư công |
Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, 18 định hướng của Chính phủ là hợp lý nhưng cần rà soát, chỉ nên chỉnh sửa quy định nào thực sự cần thiết, đã cân nhắc kỹ; không nên sửa đổi những quy định chưa đánh giá, cân nhắc đầy đủ. Muốn sửa đổi toàn diện thì đầu tư thêm thời gian, cần thì đề nghị Quốc hội cho thực hiện theo quy trình 3 kỳ họp. Nhưng sẽ làm chậm trễ, không kịp thời kể cả cho việc lập kế hoạch giai đoạn sau.
Việc sử dụng vốn đầu tư công tại địa phương phải đảm bảo hiệu quả |
Phân quyền, nhưng phải đảm bảo tính khả thi
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), đồng tình với 18 vấn đề Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung, rất toàn diện, đảm bảo quản lý vốn đầu tư chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhưng theo đại biểu nhiều nội dung của Dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Đơn cử, đánh giá tác động của các chính sách sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ dự án Luật chưa kỹ lưỡng và chưa công bằng. Báo cáo đánh giá tác động cho rằng 17/18 nhóm chính sách cần sửa đổi đều chỉ có mặt tiêu cực không có mặt tích cực; còn những nội dung thay thế 17 chính sách đó chỉ có mặt tích cực không có mặt tiêu cực. Trong khi mỗi một chính sách đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực; quan trọng là lựa chọn chính sách có mặt tích cực nổi trội, ít tiêu cực và cũng cần nhận diện các mặt tiêu cực để có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu.
Thứ hai, nhiều chính sách nổi bật với mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay nhưng thực tế có nhiều quy định trong dự thảo rắc rối, phức tạp hơn, có nội dung không bằng Luật hiện hành.
Việc điều chỉnh phân loại dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên (gấp 3,5 lần quy định hiện hành) để giảm việc trình Quốc hội là chưa đủ căn cứ vì không có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Dự án loại này phát sinh ít (kế hoạch trung hạn chỉ có 2 dự án), trình Quốc hội không có vướng mắc gì và mức 35.000 tỷ đồng là khá lớn so với vốn đầu tư từ ngân sách.
Đồng thời, việc điều chỉnh chưa nhìn nhận ưu điểm là trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn; có ngay các chính sách đặc thù; và được Quốc hội cho nhiều ý kiến hữu ích để hoàn chỉnh dự án. Vì vậy Ban soạn thảo cần cân nhắc lại, không nên giảm thẩm quyền hợp lý và cần thiết của Quốc hội.
Đồng tình với việc dự thảo Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn đối với các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; còn lại tích hợp thủ tục và giao cho bộ, ngành, địa phương thực hiện để phân cấp và giảm thủ tục.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hàm bằng các quy định Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư của chương trình đầu tư chỉ sử dụng một phần vốn trung ương; Thủ tướng quyết định đối với dự án nhóm A chỉ sử dụng một phần vốn trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo các dự án đủ điều kiện bố trí vốn của kế hoạch đầu tư 5 năm; giao chi tiết danh mục và mức vốn của từng dự án cho năm kế hoạch và dự báo 2 năm tiếp theo của kế hoạch đầu tư 3 năm... khiến thủ tục phần vốn trung ương sẽ rườm rà hơn Luật hiện hành, số lượng dự án phải trình Bộ rất nhiều; và một dự án phải qua Bộ ít nhất 3 lần.
Đồng thời việc phân cấp cho các bộ, ngành địa phương thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn một số dự án sử dụng vốn trung ương dẫn đến nghịch lý là bộ, ngành, địa phương không biết trung ương phân bổ cho mình bao nhiêu tiền để thẩm định. Không thể khả thi khi tiền của một người nhưng giao cho người khác thẩm định, quyết định trong khi chưa biết mình sẽ được chia bao nhiêu tiền.
Vì vậy, theo đại biểu Hàm nếu thật sự muốn phân cấp thì nên giao quyền tự quyết cho địa phương toàn bộ phần vốn bổ sung có mục tiêu của trung ương cho địa phương. Địa phương có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu và báo cáo lại để kiểm soát (hậu kiểm); kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nên tham gia vào các dự án 100% vốn trung ương. Về phân cấp quyền thẩm định nguồn cho bộ, ngành, địa phương là cần thiết nhưng phải tính toán, quy định thêm để bảo đảm tính khả thi.
Sửa đổi những vấn đề thực sự cần thiết
Về kế hoạch đầu tư, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ kế hoạch đầu tư 3 năm, vì không cần thiết, thêm thủ tục và cân đối nguồn đã có định hướng trong kế hoạch tài chính 3 năm. Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc chỉ trình Quốc hội các nguyên tắc trong kế hoạch đầu tư 5 năm mà không trình danh mục, mức vốn, vì danh mục, mức vốn là linh hồn của kế hoạch đầu tư 5 năm, chứng minh cho việc đầu tư phù hợp với nguồn lực và biểu hiện tính đúng đắn, hợp lý của các nguyên tắc.
Trường hợp Ban soạn thảo loại bỏ quyền được biết danh mục, mức vốn cho từng dự án của Quốc hội thì không nên trình Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư 5 năm vì các nguyên tắc về đầu tư, cơ bản đã đầy đủ trong các Luật, các Nghị quyết của Quốc hội; cần bổ sung thêm nguyên tắc đặc thù và tổng mức vốn thì ghi vào kế hoạch tài chính 5 năm như đang làm hiện nay; bỏ việc trình danh mục, mức vốn từng dự án thì việc trình Quốc hội kế hoạch đầu tư 5 năm sẽ là thừa.
Một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn nhiều quy định bất cập, như quy định quản lý ODA mâu thuẫn với Luật Quản lý nợ công; mở rộng phạm vi dự án khẩn cấp, khái niệm lại nợ đọng dễ dẫn đến dàn trải, khó kiểm soát nợ… Hơn nữa, Luật có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2020 và mất hàng năm trời mới đủ văn bản hướng dẫn nên không tháo gỡ ngay được khó khăn vướng mắc và không kịp thời phục vụ việc lập kế hoạch giai đoạn sau. Vì vậy những nội dung quan trọng, đang vướng mắc cần quy định cụ thể trong Luật để thực hiện ngay khi Luật ban hành.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) băn khoăn về tính ổn định của văn bản. Theo đại biểu, Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan, tác động trực tiếp đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia nhưng đây cũng là một trong những luật có đời sống ngắn nhất khi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa bao quát được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đại biểu đề nghị ở lần sửa đổi này cần đánh giá một cách bao quát, đầy đủ các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, theo đó cần khắc phục một cách triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền và tình trạng luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều mà quan trọng là phải lựa chọn những vấn đề thực sự cần thiết, thực sự bức thiết để đưa vào sửa đổi, tuyệt đối không đưa vào Dự thảo Luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng nhưng cũng không cứng nhắc để nếu thấy rằng có những quy định là vật cản cho quá trình phát triển mà không đưa vào phạm vi sửa đổi.
Xuất phát từ quan điểm đó, trước hết, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phân định, bóc tách cụ thể những hạn chế nào thuộc về cơ chế, chính sách và thể chế pháp luật, những hạn chế nào do con người, do quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần lắng nghe ý kiến từ các địa phương, đặc biệt là từ cơ sở.
Qua giám sát, có rất nhiều ý kiến từ phía địa phương là hoàn toàn đúng đắn, như ý kiến đại biểu cho biết địa phương phản ánh quy trình của Luật Đầu tư đối với đầu tư công là vật cản, kéo dài thời gian, chi phí, nguồn lực nên trong lần sửa đổi này cần rà soát và loại bỏ những quy trình, thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai các dự án. Với quản lý về nguồn lực ODA thì cũng cần lắng nghe ý kiến từ các nhà tài trợ. Thứ nữa là cần nghiên cứu, vận dụng một cách hợp lý kinh nghiệm quốc tế. Không nên duy trì mãi cái gọi là đặc thù, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.