Chính phủ đề nghị sửa Luật Đầu tư công
Ảnh minh họa |
Nói về sự cần thiết xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.
Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch...
Tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch...
“Thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong đó nhấn mạnh việc cơ cấu lại đầu tư công, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết”, ông Dũng phát biểu.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 03 nhóm chính sách với 18 chính sách cụ thể. Thứ nhất, nhóm chính sách về quy định chung, trong đó, đã tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương đối với các quy định về nguồn vốn đầu tư công; phân loại nguồn vốn; phạm vi điều chỉnh; điều kiện áp dụng; phân loại dự án... Đây là nội dung quan trọng, liên quan đến sự đồng bộ với các luật liên quan, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời, có ý nghĩa quyết định đến việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục liên quan đến những quy định điều chỉnh, bổ sung này.
Thứ hai, nhóm chính sách về quản lý dự án, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, mất nhiều thời gian, nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi dự án đủ thủ tục đầu tư và được bố trí kế hoạch vốn.
Thứ ba, nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục liên quan đến lập, thẩm định, quyết định, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện kế hoạch, tăng cường hậu kiểm. Đáng chú ý là đề xuất về kế hoạch đầu tư công 03 năm theo phương thức cuốn chiếu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công với kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm.
Tuy nhiên, khi cho ý kiến về dự án luật, nhiều đại biểu cho rằng các lập luật về sự cần thiết sửa đổi luật của Chính phủ là chưa thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những vướng mắc, bất cập thì cần sửa luật. Nhưng với các nội dung, căn cứ để sửa đổi mà Chính phủ trình như: công tác thẩm định, phê duyệt đầu tư, bố trí vốn không phù hợp với tiêu chí; hay giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn… không phải do luật mà do khâu triển khai thực hiện .
“Tôi cho rằng luật đầu tư công có khó khăn, nhưng do việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Luật ra đã đưa ra các quy định rất hợp lý và thể chế hóa một số quy định của Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ là rất phù hợp, khắc phục được các bất cập trong thời gian qua là các tỉnh chạy cho được tên dự án. Và chỉ khi khắc phục được nguồn vốn anh mới được ghi tên công trình, dự án… vào kế hoạch đầu công. Những vướng mắc thời gian qua không phải do luật mà do công tác điều hành…”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.