Du lịch hành xác?
Hạ tầng du lịch có nhiều chuyển biến | |
Du lịch biển đảo Việt Nam – nhìn thoáng để vươn xa |
Ở Việt Nam, có loại hình du lịch hành xác chăng? Nó giống như một mô hình du lịch trải nghiệm? Xin thưa, hoàn toàn không phải!
Ngày nghỉ lễ, khách sạn, nhà nghỉ cháy phòng, bãi biển đông như nêm... |
Hình ảnh bờ biển đặc kín người, những con đường tắc nghẹt đã không còn xa lạ với người dân mỗi dịp nghỉ lễ. Từ tắc đường đến “tắc” các điểm du lịch khiến nhiều người phải thốt lên du lịch hay hành xác! Làm thế nào để du lịch thoát cảnh hành xác, để thực sự được nghỉ ngơi, tận hưởng đang là câu hỏi khó đối với cả người dân lẫn các cán bộ quản lý ngành.
Khách sạn, nhà nghỉ cháy phòng, bãi biển đông như nêm, bãi đỗ xe chật cứng, lối ra vào của nhiều khu vui chơi tắc nghẽn do xếp hàng dày đặc chờ mua vé, các loại dịch vụ tăng vọt… đó là ấn tượng đọng lại sau kỳ nghỉ lễ vừa qua. “Thất thủ”, “vỡ trận” là những từ được nhắc đến nhiều nhất trong suốt tuần, khi mà trái ngược với quang cảnh đường phố Hà Nội vắng vẻ vào dịp nghỉ lễ là sự quá tải, chen chúc, lộn xộn ở hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng.
Từ các khu cắm trại, câu cá quanh Hà Nội cho đến các vùng núi rừng Cúc Phương, Sa Pa, Tam Đảo, các miền biển Thanh Hóa, Hạ Long, Hải Phòng đều trong tình trạng “nóng cực độ”. Thay vì một kỳ nghỉ để được nghỉ ngơi, hưởng thụ bên gia đình, bạn bè thì rất nhiều người bị “cuốn” vào những chuyến du lịch hành xác.
Chị Nguyễn Thanh Hà (Hải Dương) chia sẻ, vừa rồi đợt nghỉ 30/4 – 1/5 kéo dài ngày, các cháu lại chưa phải thi nên chị và gia đình quyết định đi Hạ Long du lịch. Thế nhưng nghỉ ngơi dưỡng sức chưa thấy đâu chị và cả gia đình phải lao vào một “cuộc chiến” đầu tiên là đặt xe du lịch, đặt được rồi là cảnh mệt mỏi vì tắc đường, đến nơi rồi mệt mỏi với giá phòng, với giá tour khi đâu đâu cũng “phụ thu” ngày lễ, đấy là còn may chán khi chỗ ăn uống đã được người quen giới thiệu nên không bị “chặt chém”. “Năm nay thôi chứ sang năm mà có đi chắc tôi phải tránh ngày lễ xa” - chị Hà nói.
Trái ngược lại với nhu cầu vui chơi ngày một tăng cao, du lịch Việt vẫn chỉ loanh quanh có vài địa điểm nên khó tránh khỏi sự “dồn toa” vào các kỳ nghỉ. Cơ sở hạ tầng du lịch quá sơ sài, quá yếu và thiếu so với nhu cầu du lịch của chính khách nội địa, chứ chưa cần nhắc đến khách quốc tế. Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển du lịch với hệ thống di sản thiên nhiên dày đặc, bãi biển trải dài nhưng lâu nay du lịch Việt vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, không được đầu tư và khai thác hiệu quả.
Nhìn xung quanh Hà Nội, vẫn chỉ có vài ba bãi biển được nhắc đến thường xuyên mà không khai thác được các bãi tắm mới nhằm giảm tải. Ngay cả các bãi biển quen thuộc cũng để lại những ấn tượng xấu về tình trạng chặt chém, ăn xin bán hàng rong đeo bám du khách, không có dịch vụ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu.
Anh Nguyễn Thanh Hải (Hà Nội) chán nản, đọc báo chí, truyền hình tôi thấy dường như các cơ quan liên quan đến du lịch chỉ mải tính thành tích đón được bao nhiêu lượt khách mỗi năm mà bỏ qua khâu dự báo lượng khách, cảnh báo về ùn tắc ở mỗi điểm đến. Thông tin các điểm đến còn mang tính một chiều, thiếu cụ thể, thiếu sự cập nhật thường xuyên.
Minh chứng như dịp nghỉ lễ vừa qua, hàng nghìn du khách đến Hồ núi Cốc mới thất vọng tràn trề khi nước trong hồ đang bị cạn khô; hay khu du lịch Tuần Châu Hà Nội ở Sài Sơn - Quốc Oai, Hà Nội mỗi ngày chỉ bán lượng vé nhất định khiến cho rất nhiều gia đình đi đường xa đến nơi lại phải thất thểu ra về.
Điều đáng mừng của du lịch Việt là qua sự thất thủ, vỡ trận của các điểm du lịch dịp nghỉ lễ vừa qua, lại có thể thấy được tín hiệu vui đó là nhu cầu du lịch tăng cao. Đây chính là cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp không khói trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Hãy khoan chỉ chăm chăm đếm lượt khách nước ngoài đến với Việt Nam hay tìm mọi cách tạo điều kiện về visa để quảng bá du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, thay vào đó trước hết hãy chăm sóc tốt chính lượng khách nội địa. Ngành du lịch đang dần mất đi một số lượng đáng kể du khách Việt có thu nhập cao chọn điểm đến nước ngoài vào mỗi kỳ lễ nhằm tránh sự đông đúc, quá tải.
Nếu để so sánh thì tiềm năng du lịch của nhiều nước láng giềng ấy còn thua xa Việt Nam, nhưng trong khi du lịch Việt mãi “dậm chân tại chỗ” thì rất nhiều nước bạn đã phát triển không ngừng, thậm chí ngay cả Lào và Campuchia vốn có xuất phát điểm chậm hơn cũng đang ngấp nghé ở ghế cạnh tranh với Việt Nam.
Du lịch hay hành xác? Câu trả lời còn phụ thuộc rất nhiều vào hành động của các cơ quan chức năng và công ty lữ hành.