Hạ tầng du lịch có nhiều chuyển biến
Phát triển hạ tầng du lịch | |
Hút vốn ngoại vào hạ tầng du lịch |
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4/2017 cũng là tháng thứ tư liên tiếp Việt Nam đón 1 triệu lượt khách quốc tế đến, nâng tổng số khách từ đầu năm đến nay lên 4,2 triệu lượt, tăng 30% so với năm ngoái.
Hội An luôn là điểm đến của du khách |
Nhóm khách tăng trưởng mạnh nhất đến từ châu Á, hơn 35%, chủ yếu từ Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc). Khách châu Âu, châu Mỹ tăng chậm hơn (hơn 20%) cho thấy sự dịch chuyển rõ ràng trong cơ cấu nguồn du khách ngoại tới Việt Nam.
Còn nhớ cơ hội lớn đã mở ra cho du lịch Việt Nam cách đây 2 năm khi khách Nga đổ dồn đến Việt Nam, nay là khách Nhật, khách Hàn, khách Trung Quốc đang lựa chọn các điểm đến như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng.
Để không bỏ lỡ cơ hội tốt này, du lịch Việt Nam không chỉ phải cơ cấu lại sản phẩm, tổ chức lại điểm đến sao cho phù hợp với tình hình mới mà cần đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng thêm nhiều cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm hiện đại… một chuyên gia ngành du lịch khuyến cáo.
Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu, năm 2017, du lịch Việt Nam đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa, đem về tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng. Một chính sách visa thân thiện, cởi mở, cộng với "bầu trời mở" kết nối các hãng hàng không giá rẻ tới thị trường Việt Nam là chất xúc tác cho tăng trưởng.
Thu nhập hộ gia đình và cá nhân tăng mạnh trong 5 năm vừa qua đã góp thêm 15% tăng trưởng vào du lịch nội địa của Việt Nam, đưa Việt Nam vào hàng các nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao trong khu vực.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, tăng trưởng du lịch đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn, đặc biệt là phân khúc tầm trung và cao cấp. Từ năm 2013 đến 2016, nguồn cung khách sạn 4-5 sao tăng trung bình 20% hàng năm để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế cho các khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Tính đến năm 2016, nguồn cung lưu trú cho du lịch được xếp hạng tại Việt Nam tăng 18% theo năm, đạt 420.000 phòng, phù hợp với sự phát triển của ngành du lịch. Điều khiến Savills Việt Nam lo ngại là hiện TP. Hồ Chí Minh có nguồn cung khách sạn lớn nhất Việt Nam, xấp xỉ khoảng 16.000 phòng khách sạn 3-5 sao, hơn 70% so với Hà Nội.
Song trong 3 năm tới, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đón thêm 3.500 phòng mới, tăng 22%, mặc dù năm 2016, cả hai đều có công suất khoảng 70% trong khi đang mất dần nhiều lợi thế... Nha Trang có nguồn cung khách sạn lớn nhất trong số các thành phố ven biển, với hơn 12.000 phòng khách sạn 3-5 sao và có công suất được thuê cao nhất.
Trong năm 2016, thành phố này đón chỉ 1,2 triệu khách du lịch quốc tế, thấp hơn 30% so với Đà Nẵng. Phú Quốc là điểm đến lý tưởng cho du lịch cao cấp, trong quý IV/2016, phân khúc 5 sao chiếm 71% với 2.500 phòng từ 3-5 sao. Tuy nhiên, với việc là thị trường mới nổi, một lượng lớn nguồn cung trong tương lai có thể sẽ thách thức khả năng hoạt động của các chủ đầu tư.
Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển nhanh chóng lại là một thách thức cho hạ tầng sân bay. Nếu như trước đây, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vừa là những trung tâm kinh tế lớn vừa là những điểm đến duy nhất có đường bay quốc tế thì nay những lợi thế trên đang giảm dần vì sự gia tăng số đường bay và công suất của nhiều chuyến bay thẳng đến những thành phố trọng điểm khác như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Dù Hà Nội vẫn là cửa ngõ cho khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc, tương tự TP. Hồ Chí Minh vẫn là cửa ngõ cho khách du lịch đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi các tỉnh miền Trung tự chủ đón khách du lịch, thậm chí đang tăng tốc nhanh hơn nhờ lợi thế cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú, cùng những cải thiện mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng hàng không, giao thông.
Chính quyền đã rất nỗ lực để giải quyết công suất hạn chế ở sân bay. Dự kiến, trong hơn hai năm tới, Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) sẽ tăng công suất từ 25 đến 38 triệu hành khách mỗi năm. Tới năm 2017, sân bay nội địa Đà Nẵng hiện công suất 9 triệu hành khách/năm sẽ được mở rộng để đón thêm 4-6 triệu hành khách mỗi năm.
Nha Trang đang bị chậm tiến độ, với dự án mở rộng sân bay Cam Ranh giai đoạn 1 bị trì hoãn từ đầu năm 2016 đến quý I/2018. Với việc đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2016, công suất nâng cấp dự kiến 2,5 triệu hành khách mỗi năm sẽ không đủ đáp ứng ngay cả trong giai đoạn hiện tại.
Trong kế hoạch tổng thể của Chính phủ, khoảng 5,6 tỷ USD sẽ được đầu tư để nâng cấp hạ tầng sân bay cho đến năm 2020. Nâng cấp hạ tầng là yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, đặc biệt với sự phát triển của nguồn cung mới tăng 30% hàng năm trong 3 năm trở lại đây tại Đà Nẵng, Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh, ông Troy Griffiths đề xuất.