Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3
Theo đó, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/5/2017 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 22,5 ngày (không kể ngày nghỉ) và Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/6/2017. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Cũng tại kỳ họp này sẽ có các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến là: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thuỷ sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD...
Theo thông tin phát ra tại buổi họp báo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD được đưa ra sửa lần này nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.
Dự thảo Luật TCTD do Chính phủ trình gồm 5 Điều, trong đó quy định về việc sửa đổi 20 Điều, bổ sung 26 Điều và bãi bỏ 01 điểm của Luật các TCTD. Các vấn đề của dự thảo luật cần Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp này bao gồm: phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, đối tượng áp dụng của Luật, nguyên tắc cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt, việc thành lập và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt, tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, điều hành của TCTD, nguồn vốn góp, mua cổ phần vào TCTD, nguồn lực thực hiện, điều khoản chuyển tiếp.
Cũng theo thông tin tại buổi họp báo, kỳ họp thứ 3 sẽ tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 ngày, thay vì 2,5 ngày như các kỳ họp trước.