FDI lan tỏa kém vì sự tự ti và thiếu tự tin của DN Việt
Thậm chí đã có câu hỏi: Sau khi FDI rút đi, Việt Nam còn lại gì. Và đánh giá đúng về tác động lan tỏa của FDI, giải pháp nào để FDI như kỳ vọng là chủ đề chính của tọa đàm “30 năm lan tỏa vốn FDI” do Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài và Tạp chí điện tử Diễn Đàn Đầu Tư – BizLIVE.vn đã tổ chức chiều 6/10/2017.
Quang cảnh Hội thảo |
Sang Mỹ mua áo thấy sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của FDI đối với nền kinh tế nói chung, từng địa phương nói riêng trong những năm qua. Tự hào là một tỉnh thuộc hàng đầu về hấp dẫn FDI, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định FDI đã góp phần rất quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Người dân trong tỉnh đã bắt đầu được hưởng những thành quả này. DN trong tỉnh cũng đã bắt nhịp được với FDI. “Có một điều chúng tôi rất tự hào là sang thị trường Mỹ, khi đi mua quần áo thì lại thấy sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc. Chúng tôi cũng thấy ghế ô sản xuất ở Vĩnh Phúc và xuất khẩu sang Bắc Mỹ”, ông Thành chia sẻ.
Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia như GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) băn khoăn cho rằng nhược điểm chính của FDI hiện nay là tác động lan toả chưa được như kỳ vọng. Sau 30 năm kể từ ngày có dự án FDI đầu tiên vào Việt Nam, đến nay mới chỉ có được 21% DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46% .
Thế nhưng theo ông, lan tỏa chưa như kỳ vọng trước hết là do chính DN Việt Nam. “Tôi đã tiếp xúc với nhiều giám đốc làm cho DN Nhật, Mỹ, và Hàn Quốc. Theo họ, muốn thành công thì cần có 2 yếu tố. Tự tin và chủ động”, ông Mại nói. Trong khi DN Việt lại hay tự ti, thiếu tự tin và chưa chủ động.
Bên cạnh đó còn do chính sách trước hết là chính sách đầu tư cần phải điều chỉnh. “Từ đầu năm tới nay có nhiều dự án FDI có quy mô rất nhỏ mà vẫn được cấp phép. Trong khi ở lĩnh vực đó các DN Việt Nam cũng đảm đương được. Tôi tin tưởng nếu chúng ta có chính sách đúng, có nhiều DN FDI như Samsung, thì Việt Nam không chỉ được đầu tư, có công nghệ mà còn có thể đạt được mục tiêu có 2 triệu DN với phần lớn sẽ là các DN tư nhân”, ông Mại phát biểu.
Cũng cùng quan điểm về nguyên do khiến FDI chưa lan tỏa được như kỳ vọng, ông Bang Hyun Woo - Phó tổng giám đốc Samsung Vietnam nói; “Chúng tôi vẫn phải tự đi tìm các DN Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho mình. Chúng tôi mong các DN Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cho chúng tôi”.
Samsung đã hình thành một hệ sinh thái cung cấp sản phẩm tại Việt Nam. Ba năm trước Samsung chỉ có 4 DN cung cấp (vendor) cấp 1 đến nay đã có 25 DN và cuối năm nay là 29 DN cấp 1. Trong chuỗi cung ứng của Samsung thì còn rất nhiều các DN cấp 2, cấp 3, cung cấp sản phẩm gián tiếp. Không nên tham vọng làm vendor cấp 1 mà hãy làm vendor cấp 2, cấp 3. Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, chất lượng, thì DN sẽ trở thành vendor cấp 1.
Dây chuyền sản xuất ở Nhà máy Honda Vĩnh Phúc |
Nộp thuế 1 tỷ đồng bỏ túi 4 tỷ đồng
Không chỉ vậy, FDI cũng đang bộc lộ khá nhiều hạn chế. “Nhà đầu tư nước ngoài nộp 1 tỷ đồng tiền thuế, họ sẽ bỏ túi 4 tỷ đồng. DN trong nước cũng vậy thôi. Nhưng 4 tỷ đồng của DN Việt sẽ vẫn ở lại Việt Nam. 4 tỷ của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được chuyển về nước họ. Nếu chúng ta không có cách chăm sóc và thái độ hợp lý với FDI thì tính bền vững, việc cải thiện đời sống nhân dân sẽ khó khăn hơn”, theo ông Thành.
Vị Phó Chủ tịch kể “Một chủ DN ở Vĩnh Phúc nói với tôi rằng, không có cái gì DN Đài Loan, Trung Quốc làm được mà DN Việt không làm được. Khi tôi đến DN của anh này thì thấy có tới 20 người Nhật làm thuê cho anh ấy”. Và Vĩnh Phúc đang có rất nhiều chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho DN trong nước Nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp các DN Việt phù hợp với mục tiêu và kỳ vọng FDI.
PGS.TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lại quan tâm tới tác động lan toả chiều sâu của FDI, tức là sau khi họ đi sẽ để lại những cái gì?
Tác động lan toả đầu tiên liên quan rất nhiều đến tăng trưởng GDP. Trong cơ cấu GDP, đóng góp của FDI rất lớn nhưng đóng góp cao không có nghĩa là sẽ lan toả vào độ sâu của nền kinh tế. Thứ hai, vấn đề sâu xa là tăng năng suất lao động. Tới đây tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc tăng năng suất lao động. Vậy liệu tăng năng suất của FDI có lan toả đến năng suất trong nước hay không? DN FDI có lấn át DN tư nhân không?
Bà Tuệ Anh nói rằng đã có bằng chứng về việc tăng FDI trong cùng ngành, sẽ dẫn đến làm tăng xác suất đóng cửa của DN tư nhân do cạnh tranh gây ra. Cứ tăng 1% FDI ở các ngành liên kết xuôi, sẽ làm giảm xác suất đóng cửa của DN tư nhân ở mức 10,5%. Cứ tăng 1% FDI ở các ngành liên kết ngược có thể dẫn đến làm tăng xác suất đóng cửa lên 15,4%. Cho nên quá nhiều hỗ trợ cho FDI sẽ tăng áp lực lên phát triển DN trong nước.
“Tôi rất đồng ý về việc các DN phải chủ động nhưng nếu DN quá nhỏ thì cần có bàn tay của Nhà nước. Chính sách FDI chưa làm tốt vai trò tạo liên kết giữa DN FDI với DN trong nước”, theo bà Tuệ Anh. Còn theo TS.Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài “Đừng có trông chờ gì vào việc nhà đầu tư nước ngoài họ mở cửa cho doanh nghiệp Việt nếu doanh nghiệp chúng ta còn vừa yếu vừa thiếu! Họ phải chờ mình lớn lên để họ chọn lựa”.