FDI vào Việt Nam: Vẫn canh cánh những nỗi lo
Từ chuyển giá
Nếu sự chuyển dịch sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia khỏi Trung Quốc ngày càng rõ nét (do chi phí nhân công tăng, tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng của quốc gia này đang chậm lại) được xem là yếu tố khách quan thì việc dòng chảy FDI đang tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam cũng có những yếu tố chủ quan của nó.
Đặc biệt, cùng với vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công thấp và việc Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng là những yếu tố rất lớn thu hút các DN FDI. Số liệu cam kết đầu tư và giải ngân vốn FDI liên tục tăng, nhất là trong những tháng vừa qua giúp cho ngành sản xuất, xuất khẩu Việt Nam vẫn có những cải thiện tích cực trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực rất khó khăn.
Cần hỗ trợ mạnh để DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu |
Tuy nhiên, quan ngại về khả năng DN FDI lợi dụng chuyển giá, trốn tránh thuế gây thất thu cho ngân sách; sự yếu kém trong phát huy sức kết nối, lan tỏa tới các DN trong nước là những vấn đề đang ngày càng được nhiều ý kiến quan tâm. Ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa diễn ra, thủ đoạn chuyển giá cũng là một chủ đề được đưa ra bàn thảo nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý mới chống lại vấn nạn này.
Theo ước tính, EU mỗi năm thất thu khoảng 1.000 tỷ Euro từ nạn chuyển giá trốn thuế. Điều đó cho thấy, không chỉ các quốc gia đang phát triển và mong muốn thu hút đầu tư FDI như Việt Nam mà ngay cả các quốc phát triển cũng đang đau đầu đối phó với vấn nạn này. Tại Việt Nam, vấn nạn chuyển giá tiếp tục nóng lên tại diễn đàn Quốc hội khi có nhiều đại biểu cho rằng cần phải mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn.
Theo đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến (Hà Nam), ngoài những đóng góp tích cực cho nền kinh tế thì khu vực FDI gần đây đã xuất hiện hàng loạt sự việc tác động xấu đến sự phát triển của Việt Nam gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó nổi bật chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách. Một số DN FDI thuộc các chi nhánh, các công ty xuyên quốc gia đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để thực hiện chuyển giá bằng cách lỗ công ty con, lãi công ty mẹ.
Theo thống kê của ngành thuế 9 tháng đầu năm 2015, hiện có khoảng 13 nghìn DN FDI đang hoạt động, trong đó 4.098 giao dịch liên kết có giá chuyển nhượng và phát hiện 1600 DN có dấu hiệu chuyển giá. “Như vậy, nếu không kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn thu từ các DN FDI sẽ bị tổn thất lớn” – đại biểu Tiến khẳng định.
Trong khi đó dẫn việc Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã quyết liệt kiểm tra một số các DN FDI thường xuyên báo lỗ trong suốt hơn 10 năm, nay đã bắt đầu có lãi, đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cho rằng, để tránh tình trạng chuyển giá tương tự như trường hợp trên, đòi hỏi cán bộ thuế của chúng ta phải có kỹ năng, kinh nghiệm để làm sao tất cả các DN FDI phải thực hiện thật nghiêm theo pháp luật, dù có muốn cũng không thể nào chuyển giá được.
Cũng có những ý kiến lo ngại là một khi hoạt động chuyển giá bị ngăn chặn, hay những ưu đãi cho các DN FDI không còn trong lúc cạnh tranh thu hút FDI ngày càng quyết liệt từ các quốc gia khác trong khu vực thì các công ty đa quốc gia có thể rời đi và tìm những bến đỗ mới.
Đây là yếu tố không thể loại trừ, tuy nhiên theo ông Glenn B. Maguire, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ, khi một DN FDI muốn đặt cơ sở sản xuất của mình ở đâu đó họ đã phải tính toán kỹ đến rất nhiều yếu tố, trong đó ước tính nhà máy đó phải tồn tại được ít nhất 15-20 năm.
Thực tế sự chuyển dịch ở Trung Quốc cũng cho thấy điều này, không phải DN đến năm trước rồi năm sau chuyển đi mà phải đến khi nền kinh tế - xã hội của quốc gia đó có sự chuyển dịch lên những nấc thang mới. Điều này cho thấy, các ưu đãi chỉ là những khuyến khích thêm khi một DN FDI muốn đặt cơ sở sản xuất kinh doanh của mình.
Chi phí tính theo USD cho 1 giờ lao động năm 2012 của một số nước: Singapore: 24,2; Trung Quốc: 2,6; Thái Lan: 2,2; Malaixia: 3,7; Philippines: 2,1; Việt Nam: 1,05 Về tuổi công nhân trung bình trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo: Trung Quốc: 38; Nhật Bản: 43; Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc: 41 |
Đến kết nối, lan tỏa
Yếu kém trong kết nối, lan tỏa từ khu vực FDI tới các DN trong nước cũng là vấn đề mà dư luận lo ngại. Như gần đây, Công ty Samsung Việt Nam cho biết, trong số 80 DN vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện cho Samsung thì tỷ lệ DN Việt Nam chỉ dưới 10% và chủ yếu mới cung ứng được ở mảng in ấn và bao bì – tức là phần có giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.
Tuy nhiên dẫn kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia Glenn B. Maguire cho rằng, điều này cần thời gian. Như tại Thái Lan, quốc gia này cũng phải mất nhiều năm mới hình thành được sự kết nối này. Tất nhiên với quá trình toàn cầu hóa và sự mở cửa, hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay thì quá trình này có thể rút ngắn hơn.
“Điều mà chúng tôi nhìn thấy trong vòng 2-3 năm qua là có một làn sóng đầu tiên của các FDI vào Việt Nam để thiết lập, xây dựng các cơ sở sản xuất. Làn sóng thứ 2 của đầu tư FDI là họ sẽ bắt đầu tìm kiếm mạnh các đối tác ở địa phương để cung cấp cho họ các linh kiện, phụ tùng để sản xuất các sản phẩm thay vì nhập khẩu từ những nơi khác. Tôi dự báo làn sóng này sẽ xảy ra trong vòng 2-3 năm tới. Và sau đó chúng ta sẽ thấy làn sóng thứ 3 là chính các DN sản xuất linh, phụ kiện trong nước này sẽ lại tìm kiếm các đối tác ở nước khác để phục vụ cho sản xuất” - ông Glenn B. Maguire dự báo.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, để kết nối, tham gia sâu vào với khu vực FDI tức là các DN của Việt Nam phải tham gia được vào các chuỗi sản xuất của họ. Và nói như vậy thì có nghĩa là vai trò của các DNNVV phải được phát huy. Như vậy thì chúng ta phải sớm thông qua Luật DNNVV và có các chính sách hỗ trợ để các DNNVV tham gia được sâu vào các chuỗi giá trị như vậy. Vấn đề này cũng được ông Bảo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong tham gia thảo luận tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 16/11.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng năm 2015, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% với cùng kỳ năm 2014; tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 19,29 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 816 dự án đầu tư đăng ký mới và 499 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,49 tỷ USD, chiếm 64,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. |