Fintech lan tỏa hợp tác trên thị trường vốn
Hệ sinh thái Fintech: Yếu tố pháp lý và con người là thách thức lớn | |
Áp dụng Fintech hay bị bỏ lại phía sau: 4 lời khuyên cho ngành dịch vụ tài chính |
Các App hỗ trợ đầu tư chứng khoán, quản lý tài chính của Fintech đang bắt đầu được nhà đầu tư quan tâm, sử dụng |
Hợp tác từ nhu cầu nội tại
Theo khảo sát của Công ty Tư vấn PwC, Việt Nam hiện có 48% DN dịch vụ tài chính đã tích hợp Fintech một cách toàn diện vào mô hình hoạt động chiến lược. Trong đó có 37% các DN đã kết hợp các công nghệ mới nổi vào các sản phẩm và dịch vụ của mình. Số liệu này cho thấy, nhu cầu phát triển các ứng dụng công nghệ tài chính trong các DN khối dịch vụ tài chính nói chung và các DN quản lý quỹ tài chính, quỹ đầu tư nói riêng đang là nhu cầu có thật và xuất phát từ xu hướng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Thực tế hiện nay, một số quỹ đầu tư đã và đang sử dụng các robot tư vấn có khả năng cá nhân hóa cho từng khách hàng. Một số công ty bảo hiểm cũng đã sử dụng cảm biến để theo dõi sức khỏe và giúp khách hàng phòng ngừa bệnh tốt hơn. Chẳng hạn Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) đầu năm nay đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho ra đời trợ lý ảo VIVA hoạt động 24/7 trên cả ba kênh Facebook Messenger, Zalo và website để tư vấn kế hoạch đầu tư, chấm điểm năng lực tài chính và đề nghị sản phẩm phù hợp nhất để khách hàng đầu tư.
FPT ngoài việc hỗ trợ các Fintech khởi nghiệp tiếp cận Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), còn phối hợp với Quỹ đầu tư SBI Holdings của Nhật Bản, đầu tư 3 triệu USD vào startup Utop hoạt động trong lĩnh vực công nghệ blockchain với mục tiêu kết nối các DN và cửa hàng nhỏ lẻ tham gia vào mạng lưới kinh doanh và chia sẻ hệ thống điểm thưởng để tiết giảm chi phí cho khách hàng.
Các chuyên gia tư vấn đầu tư của FPT Ventures cho rằng, hiện nay làn sóng Fintech đang lan tỏa mạnh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và chắc chắn những hợp tác giữa các CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư với các ứng dụng công nghệ tài chính sẽ phát triển mạnh trong các năm tới làm thay đổi cách vận hành của các dịch vụ tài chính truyền thống. Bởi trên thế giới những công ty tư vấn tài chính sử dụng thuật toán máy tính như Betterment, FutureAdvisor và Wealth Front đang thâm nhập khá sâu rộng vào thị trường tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư.
Tại Việt Nam hiện nay trên thị trường chứng khoán cũng đã xuất hiện một số Fintech, tập trung vào hỗ trợ nhà đầu tư trong việc lựa chọn, tư vấn cổ phiếu, theo dõi danh mục trên nền tảng web, mobile app hoặc nền tảng đám mây (sử dụng google spreadsheet)… Khi các Fintech này hoàn thiện được các giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nhu cầu của nhà đầu tư và hỗ trợ hiệu quả cho nhân viên các CTCK thì các hợp tác tích hợp sẽ rất sôi động.
Phù hợp xu thế số hóa
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), cũng giống như các NHTM, việc các quỹ đầu tư, các CTCK chuyển dần từ thế cạnh tranh sang hợp tác với Fintech là một xu hướng mang tính tất yếu.
Quan sát từ nhiều mùa của Hội nghị thường niên (Interbank Offsite), ông Quỳnh cho rằng ban đầu các Fintech khởi nghiệp thường chọn mảng dịch vụ nhỏ mà các ngân hàng, CTCK hoặc các quỹ đầu tư chưa với tay tới hoặc chưa làm tốt. Sau một vài năm, các Fintech huy động được vốn và phát triển mạnh sản phẩm, dịch vụ lúc đó, các ngân hàng và thành viên khác trên thị trường tài chính mới coi Fintech là đối thủ cạnh tranh và mở đầu cho một xu hướng mới là hợp tác và mua lại đối với các công ty Fintech hoạt động hiệu quả.
Dẫn chứng ở thị trường quốc tế, ông Quỳnh cho biết xu hướng lựa chọn đầu tư mạo hiểm vào các Fintech hoặc hợp tác cùng phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính đang được khá nhiều NHTM, các CTCK và các quỹ đầu tư lựa chọn. Trên thế giới những năm gần đây đã có khoảng hơn 23,5 tỷ USD được các quỹ đầu tư rót vào các Fintech. Tại Việt Nam những năm qua, hàng chục quỹ đầu tư lớn từ nước ngoài đã bỏ vốn vào ví điện tử.
Tổ chức We Are Social (trong báo cáo công bố năm 2018) cho rằng Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ bùng nổ của Fintech. Những thương vụ hợp tác giữa Tima với NamABank, VPBank với Timo, TPBank với Misa… đã bắt đầu trào lưu hợp tác toàn diện giữa các Fintech với NHTM và xu hướng này sẽ tiếp tục lan rộng sang các TCTD khác như CTCK, công ty tài chính tiêu dùng, quỹ đầu tư. Từ đó tạo ra sự sôi động và biến chuyển mạnh mẽ trong cách tiếp cận và khai thác các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, Việt Nam cần cẩn trọng với những thiếu hụt nhân lực trong vài năm tới, bởi theo khảo sát Fintech toàn cầu 2019, hiện nay 80% các DN công nghệ, truyền thông - viễn thông và 75% các DN dịch vụ tài chính đang tạo ra những công việc mới liên quan đến Fintech. Thế nhưng 42% các DN trong hai ngành này ở quy mô toàn cầu đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp cho những công việc mới này.