Gần 71.300 tỷ đồng tín dụng kết nối Đồng bằng sông Cửu Long
Gỡ “điểm nghẽn” để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long | |
Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đây là hội nghị kết nối lần thứ 4 trong năm 2019 NHNN phối hợp với UBND các thành phố lớn tổ chức với kỳ vọng tạo sức lan tỏa. Trước Hội nghị này, vào các tháng đầu năm 2019, NHNN đã phối hợp với UBND các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM tổ chức hội nghị tương tự tại các khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và khu vực Đông Nam bộ.
Với khu vực ĐBSCL, người đứng đầu Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến thời điểm giữa quý III/2019 quy mô tín dụng toàn vùng đạt khoảng 623.926 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2018. Trong đó, lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn tăng 14,8%. Một số lĩnh vực thế mạnh như lúa gạo tăng 13,92%, thủy sản tăng 8,45%...
Đặc biệt, các chương trình tín dụng đặc thù đạt kết quả tốt, như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ dư nợ đạt trên 1.100 tỷ đồng.
Trong các tháng đầu năm nay, các tổ chức tín dụng tại khu vực ĐBSCL đã chủ động tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Thông qua các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, từ đầu năm 2019 đến cuối quý II/2019 các tổ chức tín dụng tại khu vực ĐBSCL đã giải ngân và cho vay mới đạt gần 71.300 tỷ đồng cho trên 4.400 doanh nghiệp và một số khách hàng khác.
Bên cạnh việc cho vay mới, các tổ chức tín dụng cũng đã cơ cấu lại nợ cho một số loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay với trên 250 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là trên 3.720 tỷ đồng.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình chính sách tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay.
NHNN cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, tại khu vực ĐBSCL, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, với quy mô mạng lưới khoảng 350 chi nhánh của các tổ chức tín dụng và trên 150 Quỹ tín dụng nhân dân, giai đoạn 2015-2018, tín dụng ở khu vực này luôn có sự tăng trưởng mạnh với mức bình quân 15%/năm.
Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624.000 tỷ đồng, tăng 7,76% so với 31/12/2018, cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế cả nước (mức chung là 7,46%). Tín dụng tăng trưởng đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt mức 7,5%/năm, cao hơn mức 6,79% của cả nước trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, Hội nghị cũng đánh giá thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL gặp một số vướng mắc liên quan đến quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, các vướng mắc liên quan đến đất đai, vùng nguyên liệu cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn để đẩy mạnh mở rộng quy mô, hoàn thiện các liên kết chuỗi giá trị khép kín.
Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được các chi nhánh NHTM kiến nghị đã và đang được NHNN chủ động tháo gỡ thông qua các cơ chế điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, đặc biệt là các giải pháp về giảm lãi suất, cơ cấu, gia hạn nợ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.
Với những giải pháp điều hành và hỗ trợ mở rộng tín dụng hiệu quả của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng, sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong vùng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tin tưởng rằng sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về sản xuất, thị trường tiêu thụ, ngày càng phát triển bền vững, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL theo đúng định hướng, quy hoạch, kế hoạch đã đề ra.