Gia tăng vi phạm sở hữu trí tuệ
Diễn biến phức tạp
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và vai trò của báo chí”, do Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) tổ chức tại TP. Đà Nẵng, Đại tá Hoàng Văn Trực - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết, tình hình xâm phạm SHTT, ở Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Hành vi vi phạm xảy ra trong nhiều lĩnh vực với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng đặc biệt quan trọng như vàng, thẻ tín dụng, thuốc chữa bệnh, phân bón, thực phẩm, xăng dầu, thiết bị điện, mỹ phẩm… Có thể nói, trên thị trường, hàng hóa nào có thương hiệu, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả…
DN cần tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký SHTT |
Hiện, hàng giả, vi phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn nhập lậu qua biên giới từ Trung Quốc và một số nước có đường biên giới với nước ta. Năm 2014, lực lượng cảnh sát kinh tế cả nước đã phát hiện 665 vụ xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả, khởi tố 120 vụ, với 196 bị can…
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, theo Chi cục Quản lý thị trường thành phố, trong nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái mà đơn vị xử lý từ đầu năm 2015 đến nay đa phần là các vụ xâm phạm về SHTT.
Đơn cử như các vụ việc, lực lượng quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, thu giữ hàng chục sản phẩm đồ bếp như, máy rửa chén, máy hút mùi, lò vi sóng… được bày bán tại một siêu thị trên địa bàn bị làm giả. Tất cả những sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng lại bị Công ty TNHH Romal, (Hà Nội) “hô biến”, thành các sản phẩm của Đức và Ý.
Tương tự, vụ việc đang gây ồn ào dư luận trong thời gian gần đây là việc quản lý thị trường TP. Đà Nẵng phát hiện, tạm giữ hơn 20 nghìn gói mì chính cùng nhiều tang vật khác với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng của chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hà Trung Hậu, (TP. Hồ Chí Minh) tại TP. Đà Nẵng.
Biên bản tạm giữ tang vật của lực lượng quản lý thị trường thể hiện, lô hàng mì chính bị tạm giữ với nhãn hiệu AJINO-TAKARA có gắn dấu hiệu ba chữ tượng hình tương tự với ba chữ tượng hình trên bao bì sản phẩm của hãng bột ngọt AJINO-MOTO…
Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, vi phạm SHTT đã và đang gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước, DN thất thu, ảnh hưởng đến quyền lợi, khiến người tiêu dùng lo lắng, không ít trường hợp phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
DN thờ ơ
Để tự bảo vệ mình, một số DN đã chú trọng đến việc đăng ký SHTT. Đơn cử, tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại BQ (TP. Đà Nẵng), việc đăng ký quyền SHTT để bảo hộ thương hiệu của mình được thực hiện ngay khi mới thành lập DN. Ông Phan Hải, giám đốc công ty cho biết, trong quá trình sản xuất và phân phối, sản phẩm giày BQ đã bị làm nhái thương hiệu nhiều lần. Khi bị phát hiện, DN đã liên hệ với các cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm…
Tuy nhiên, số DN chú trọng đến việc đăng ký SHTT như BQ còn rất ít. Mặc dù, đăng ký SHTT được xem là giải pháp tối ưu giúp DN tự bảo vệ mình trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng đại diện Cục SHTT, tại Đà Nẵng, trong tổng số khoảng 14.000 DN trên địa bàn, mới chỉ có hơn 4.000 đơn đăng ký quyền SHTT, với một thành phố phát triển năng động như Đà Nẵng thì số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHTT như vậy vẫn còn hạn chế…
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN chưa mặn mà với việc đăng ký quyền SHTT, do có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 98%. Đối với những DN này, ý thức về vai trò của quyền SHTT trong chiến lược kinh doanh còn hạn chế. Hơn nữa, thời gian thẩm định hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT khá dài, khi lên đến 1 năm đối với nhãn hiệu, 10 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp…
Thời gian kéo dài, với khá nhiều thủ tục cũng khiến DN không mặn mà theo đuổi hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Ngoài việc thờ ơ, thậm chí có DN còn bất hợp tác với cơ quan chức năng khi có hàng giả, hàng nhái thương hiệu của mình trên thị trường.
Cũng theo ông Nguyễn Nho Hậu, trong số nhiều vụ vi phạm SHTT bị phát hiện, khi cơ quan chức năng phát hiện và báo với chủ DN yêu cầu cung cấp tài liệu, dữ liệu liên quan để chứng minh, làm cơ sở xử lý vi phạm, nhưng mời năm lần bảy lượt nhưng vẫn không thấy đại diện DN đến. Nguyên nhân, các DN sợ làm to chuyện rồi ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh, chuyện DN còn thờ ơ, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm SHTT của các lực lượng chức năng cũng còn gặp nhiều khó khăn do, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về vi phạm SHTT còn nhiều bất cập, mang nặng tính nguyên tắc chung nhưng chưa đầy đủ và thiếu tính cụ thể chi tiết.
Trong khi, đối tượng phạm tội xâm hại SHTT thường có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao; Bên cạnh đó, sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thiết bị tinh vi… giúp sức cho tội phạm vi phạm SHTT phát triển, gây khó trong công tác điều tra xử lý tội phạm…