Giải ngân vốn đầu tư công: Thách thức trong 6 tháng cuối năm
Chính phủ nhìn nhận rất rõ thực trạng giải ngân vốn đầu tư công | |
Chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn |
Tình trạng này đã diễn ra liên tục trong các năm gần đây. Tuy nhiên trong nửa đầu năm 2019, vấn đề trở nên đáng báo động khi tốc độ giải ngân vốn có mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2019; nhiều dự án công trình trọng điểm không được đẩy nhanh tiến độ thực hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Giải ngân đầu tư công vẫn chưa thoát cảnh “đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng” |
Giải ngân thấp ở mức đáng báo động
Báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến 6 tháng đầu năm với các bộ ngành, địa phương cho thấy, về đầu tư công nhìn chung chưa có dấu hiệu tích cực và có mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2016-2019. Cụ thể, năm 2016 là 11,7%; năm 2017 là 6,1%; năm 2018 là 9,5%; và năm 2019 chỉ đạt 3,7%. Vốn ngân sách trung ương thực hiện giảm tới 30,2% so với cùng kỳ năm trước.
Giải ngân vốn ODA thấp ở mức đáng báo động, chỉ đạt 37% vốn kế hoạch được giao giai đoạn 2016-2019. Riêng về vốn giải ngân, theo số liệu mới nhất của Kho bạc Nhà nước (KBNN), đến hết 6 tháng mới giải ngân được 32,4% dự toán, trong khi cùng kỳ năm 2018 đạt 33,9%.
Theo phản ánh từ các địa phương, nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do công tác giao vốn chậm. Theo đó, tới cuối tháng 2/2019 kế hoạch phân bổ chi tiết mới cơ bản được hoàn thành. Đối với các dự án khởi công mới năm 2019 đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, hoặc đang hoàn thiện các thủ tục ban đầu nên chưa có khối lượng để giải ngân. Ngoài ra, nguồn vốn nước ngoài giải ngân thấp là do giao vốn, phân bổ vốn chậm nên chỉ thực sự giải ngân từ tháng 3/2019.
Một nguyên nhân nữa là Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và các luật liên quan tới quản lý đầu tư xây dựng mới ban hành trong thời gian gần đây đã hình thành nên quy trình, thủ tục chặt chẽ, phức tạp hơn, vì vậy dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, từ cả phần trung ương và địa phương quản lý.
TS. Lê Thị Tường Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích, sở dĩ việc giao vốn phải chia thành nhiều đợt vì còn phụ thuộc nhiều vào thực thi các chính sách, quyết định của Thủ tướng về tiêu chí phân bổ nguồn lực này. Thực tế đối với địa phương, quy định pháp luật về đầu tư công trong giải ngân dự án, trình tự thủ tục mất khá nhiều thời gian, do đó 6 tháng đầu năm chưa thể đạt tốc độ giải ngân như mong đợi. Song bà Thu khẳng định, các địa phương sẽ dồn việc giải ngân vốn đầu tư công sang thời điểm cuối năm, tới quý III, quý IV mới đẩy nhanh tốc độ.
Một nguyên ngân khác, theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó tổng giám đốc KBNN ở khâu cuối cùng là giải ngân, nhà thầu cũng như chủ đầu tư không có khối lượng thanh toán; và khi không có khối lượng thanh toán thì KBNN không thể giải ngân được.
Gỡ nút thắt thể chế, đẩy mạnh phân quyền
Nếu tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không có những giải pháp đẩy mạnh ngay thì đến cuối năm sẽ là một thách thức lớn. Các chuyên gia cảnh báo, hiện nay ngân sách của chúng ta đang bội chi rất lớn, trên 220.000 tỷ đồng phải đi vay một năm. Nếu tính cả phần vay mới để trả nợ gốc, những khoản đến hạn phải trả thì mỗi năm lên tới hơn 450.000 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, trong 10 năm qua tổng số tiền trả gốc và lãi hàng năm của ngân sách nhà nước cao hơn con số đầu tư hàng năm. Thực tế này cho thấy điều hành ngân sách đang tiềm ẩn những yếu tố kém bền vững.
Trong khi đó, điểm nghẽn trong đầu tư công đã dẫn tới nghịch lý là tiền đã vay được nhưng không tiêu được, cho dù nhu cầu đầu tư của đất nước rất lớn, cơ sở hạ tầng còn hết sức hạn chế, cắt khúc và đã trở thành những nút thắt, rào cản cho sự phát triển kinh tế. Việc có tiền, có kế hoạch nhưng không thực hiện được hoặc làm chậm, đã tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế là hết sức không bình thường. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư khẩn trương xử lý dứt điểm những dự án còn nhiều vướng mắc; chủ động phối hợp các cấp, các ngành liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân vốn.
Ngày 12/6 vừa qua, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7, Luật Đầu tư công sửa đổi đã được thông qua, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt của quá trình thực hiện vốn đầu tư công thời gian qua. Những thay đổi quan trọng của Luật Đầu tư công sửa đổi dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư).
Đồng thời, sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo.
Ông Bùi Đức Thụ - nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục trình những vấn đề khó khăn ách tắc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nhằm giải quyết những khó khăn về các luật khác như Luật Quy hoạch. Đồng thời trong điều kiện chưa giải quyết căn cơ những vấn đề pháp lý thì công tác quản lý điều hành cần quyết liệt hơn.
“Có nhiều việc không do vướng mắc về thể chế pháp lý như các dự án chuyển tiếp, đã làm rồi, đã được duyệt rồi, giờ tại sao vốn của chúng ta đã bố trí theo kế hoạch lại không tiêu được?”, ông Thụ đặt câu hỏi và cho rằng: Cần làm rõ trách nhiệm của các ngành các cấp, phải có sự lãnh đạo phối hợp chỉ đạo của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Đồng thời nên linh hoạt và phân cấp, uỷ quyền thêm cho địa phương quyết định đối với một số dự án nguồn vốn của Trung ương nhưng rất nhỏ, không phải dự án nhóm A, thậm chí dự án trọng điểm nhóm B. Thực hiện được các giải pháp đó, chắc chắn vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được giải ngân tốt hơn.