Đầu tư công: Không quyết liệt khó hoàn thành kế hoạch
Đầu tư công: Nhân lên tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phát triển thị trường trong nước |
Kết quả chưa cho thấy sự yên tâm
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến 31/7/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 232,091 nghìn tỷ đồng, bằng 34,68% kế hoạch cả năm, thấp hơn cùng kỳ 2023 cả về tỷ lệ và số tuyệt đối (giải ngân 7 tháng năm 2023 là 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch). Tính theo tỷ lệ giải ngân, chỉ có 7 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 40% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi có tới 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Báo cáo nêu cụ thể tên của một số địa phương có số giải ngân thấp hơn cùng kỳ. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79,3 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng đầu năm là 11,3 nghìn tỷ đồng (giảm khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023); tỉnh Quảng Ninh được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 14,3 nghìn tỷ đồng, ước giải ngân 7 tháng là 3,8 nghìn tỷ đồng (giảm khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023)… Và theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng 8 địa phương này nếu duy trì được mức giải ngân tương đương với cùng kỳ năm 2023 (của chính các địa phương đó), thì tổng số vốn giải ngân trong 7 tháng vừa qua sẽ cao hơn khoảng 18 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 8/8/2024 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Chỉ thị 25 hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trước ngày 15/8/2024. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ quy định tại Luật Đầu tư công, Chỉ thị 25 và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/9/2024. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/6/2025 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền. |
Cùng với giải ngân chưa như kỳ vọng, phân bổ vốn cũng tiếp tục là một vấn đề khó khăn. Dù công tác phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đến 31/7/2024 đã đạt 96% kế hoạch và chỉ còn 26,54 nghìn tỷ đồng (chiếm 4% kế hoạch) chưa được phân bổ chi tiết nhưng đáng lưu ý là con số dù chiếm tỷ lệ nhỏ này đã gần như “bất động” trong vài tháng qua (từ mức 33,47 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,1% kế hoạch vào 29/2/2024), khiến gần như tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng nào và nhất là trong hội nghị về thúc đẩy đầu tư công, Thủ tướng đều nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác phân bổ này, đồng thời yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc.
Tạm gác qua một bên các nguyên nhân, vướng mắc khó khăn, chỉ một vài con số như vậy đã cho thấy việc hoàn thành được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công hàng năm, vẫn luôn là vấn đề nan giải. Qua phân tích về số liệu giải ngân đầu tư công các tháng (so với kế hoạch) từ năm 2022 đến nay, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam chỉ ra, “đường giải ngân đầu tư công của các năm gần như trùng nhau”.
“Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp, nhiều chỉ đạo để thúc đẩy được lệ giải ngân nhưng trên thực tế có vẻ như sự chuyển biến vẫn tương đối khó. Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì thông điệp chính sách là việc này phải cải thiện nhiều hơn nữa thì mới đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng”, ông Hùng nói.
Đầu tư công là động lực, giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng |
Phải bứt phá trong triển khai
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước liên tiếp trải qua những biến động, khó khăn và thách thức trong những năm gần đây, chính sách tài khóa đã và vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Theo đó, đầu tư công tiếp tục là một trong những động lực, giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là với những tín hiệu tăng trưởng tích cực nửa đầu năm và nền kinh tế đang nỗ lực hướng tới mức tăng trưởng cao hơn, giải ngân vốn đầu tư công nhanh, hiệu quả sẽ tạo tiền đề thuận lợi để không chỉ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (nhất là đạt cận cao trong mục tiêu tăng trưởng) mà còn góp phần để bứt tốc, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025.
Mới đây nhất, vào ngày ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Theo đó, xác định năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc.
Chỉ thị 26 yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý (nhấn mạnh đến vấn đề chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024 của tập thể, cá nhân); Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án (xác định đây là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ); Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên (cấp phép khai thác vật liệu, kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án); Đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán; Tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công; Tiếp tục duy trì hoạt động các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…
Kỳ vọng với những chỉ đạo quyết liệt như vậy, giải ngân sẽ được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm 2024 và đạt các mục tiêu, kỳ vọng đặt ra trong ngắn hạn. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, để giải ngân đầu tư công “chạy mà lo không chậm” thì ngoài các nỗ lực và giải pháp triển khai quyết liệt cho từng năm, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (2026-2030) cần sớm được triển khai, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng những kết quả đạt được và bài học rút ra từ đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời đảm bảo nguyên tắc các dự án phải mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng, quốc gia; bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và quan trọng nhất là kiên quyết khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải, chậm trễ, kém hiệu quả như đã từng xảy ra.