Giải quyết tranh chấp bảo hiểm: Phương thức trọng tài nhiều lợi thế
Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2017, tổng doanh thu ngành bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Trong đó, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.561 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 65.050 tỷ đồng.
Cùng với sự phát triển rất nhanh của doanh thu bảo hiểm, vào năm ngoái các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.423 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, các vụ tranh chấp về bảo hiểm cũng ngày một nhiều lên và ngày càng phức tạp hơn.
Về nguyên tắc, giải quyết được những tranh chấp bảo hiểm thì mới có thể hoàn thành thủ tục bồi thường và việc này càng được thực hiện nhanh chóng thì càng đạt được mục tiêu của bảo hiểm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm.
Nhưng theo bà Phạm Thanh Hải, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nếu các tranh chấp bảo hiểm mà đưa ra tòa án thì thường phải 3-5 năm mới giải quyết xong. Thậm chí, có một số vụ việc, thời gian xử lý kéo dài đến 10 năm vẫn "quay đi sơ thẩm, về phúc thẩm".
Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực VIAC và ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm (IAV) giải thích về xử lý tranh chấp bảo hiểm bằng trọng tài thương mại |
Có trường hợp, người mua bảo hiểm và DN bảo hiểm đã thỏa thuận xong nhưng hợp đồng chưa hoàn tất, tổn thất xảy ra,vậy là một bền đòi bồi thường, một bên không chấp nhận…
Hiệp hội Bảo hiểm tổng kết, thường có 5 loại tranh chấp xảy ra giữa các bên phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, gồm: Tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm đúng và đầy đủ; Tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; Tranh chấp về phạm vi bảo hiểm và/hoặc điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; Tranh chấp về mức độ tổn thất; Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm còn có một loại tranh chấp đặc thù như tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm số tiền mà doanh nghiệp này đã bồi thường.
Với 20 năm trong nghề, bà Hải đã giải quyết rất nhiều tranh chấp và cho biết hiện nay giải quyết tranh chấp bằng tòa án ít khi được các thương nhân lựa chọn và các thương nhân thường xem đây là phương thức lựa chọn cuối cùng của mình khi các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài không mang lại hiệu quả.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một hình thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và ngày càng được các nhà kinh doanh ưa chuộng.
Theo số liệu của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), từ năm 2011 đến nay, số các vụ tranh chấp về bảo hiểm đưa đến VIAC ngày một nhiều lên. Các chuyên gia bảo hiểm, các luật sư và các doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận thấy rằng trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm.
“Với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng”, ông Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC khẳng định.
Nhưng, còn rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp mua bảo hiểm và cả người mua bảo hiểm vẫn chưa để ý đến phương thức này để đưa điều khoản trọng tài vào ngay hợp đồng bảo hiểm từ đầu. Đặc biệt, với các cá nhân như doanh nghiệp tư nhân tàu cá, xe cộ, bảo hiểm con người... sự hiểu biết về trọng tài còn thiếu. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa những ưu điểm của trung tâm trọng tài trong quá trình đàm phán hợp đồng liên quan tranh chấp này.
“Hiện các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân chưa hiểu về trọng tài nên lựa chọn toà án, dẫn đến quá trình thương lượng rất khó khăn. Theo quan điểm của tôi, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án. Các doanh nghiệp bảo hiểm nên chủ động giải thích và hướng dẫn người mua bảo hiểm về phương thức này”, bà Hải có lời khuyên.