TP. Hồ Chí Minh phấn đấu khởi công 1 trung tâm logistics trong năm 2025
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, ngành công thương thành phố tiếp tục đạt được các kết quả nổi bật như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 565.013 tỉ đồng, tăng 10,6%, góp phần vào tăng trưởng khu vực dịch vụ của thành phố; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,97 tỉ USD, tăng 10,6%; kim nhập khẩu ước đạt 60,7 tỉ USD, tăng 9,8% so với năm 2023…
TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ xây dựng dự án Cảng cạn - trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao thành phố |
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2024, ngành công thương cũng đối diện những khó khăn như sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm mua sắm hiện đại và thương mại điện tử đang làm dịch chuyển hành vi tiêu dùng của người dân, khiến mãi lực tại một số chợ giảm mạnh, các cửa hàng bán lẻ phải trả mặt bằng kinh doanh. Ngoài ra, chi phí logistics tiếp tục tăng, tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, nhất là mặt hàng da giày, dệt may…dẫn đến hàng hóa trong nước thiếu tính cạnh tranh, khó khăn mở rộng thị trường.
Từ những khó khăn đó, ông Tú cho biết trong thời gian tới, ngành công thương thành phố đã có đề xuất những giải pháp cụ thể như tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thực hiện liên kết vùng thông qua tổ chức chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình khuyến mại tập trung; chương trình kết nối cung cầu giữa thành phố và các tỉnh, thành... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường…
“Một trong những nhiệm vụ đáng chú ý khác là sở sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ kết nối với các trung tâm kinh tế. TP. Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng, khởi công ít nhất 1 trung tâm logistics mang tầm cỡ khu vực trước ngày 30/4/2025”, ông Tú nói.
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu khởi công xây dựng ít nhất 1 trung tâm logistics trong năm 2025 |
Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã xác định 9 ngành dịch vụ trọng yếu để tập trung phát triển như tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, logistics... và tỷ trọng đóng góp của các ngành dịch vụ này vào sự tăng trưởng chung của thành phố hàng năm đều trên 60%, năm 2024 là 65%.
Đối với hoạt động logistics, số liệu do Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh công bố năm 2024 cho thấy, hoạt động logistics góp đến 25,4% vào mức tăng GRDP. Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 460.849 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm 2023.
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí minh có kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực. Kế hoạch được lãnh đạo thành phố vạch rõ đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai 8 dự án xây dựng trung tâm logistics gồm dự án Trung tâm logistics Cát Lái (TP. Thủ Đức), dự án Trung tâm logistics Linh Trung (phường Linh Trung, TP. Thủ Đức); dự án Trung tâm logistics Long Bình; dự án Cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao; dự án Trung tâm logistics Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh); dự án Trung tâm logistics Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); dự án Trung tâm logistics Củ Chi (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi).
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 8,5%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp Thành phố từ 15%-20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 12% - 15%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 45 trở lên.
Đến năm 2045, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP trên 12%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh từ 10%-12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics trên 70%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia khoảng 10% - 12%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ hạng 30 trở lên.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2024 đạt 7,17% và tổng thu ngân sách đạt 508.000 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 5% so với dự toán được giao. Những con số trên đã minh chứng rõ sự phục hồi tăng trưởng của thành phố, tuy nhiên, thành phố còn nhiều nhiệm vụ phải làm, và cũng còn những khó khăn nhất định phải giải quyết như giá cước vận tải, tỉ giá ngoại tệ biến động...
"Cần phải gấp rút triển khai các đề án, kế hoạch, trong đó trọng tâm là xây dựng thành phố thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực; xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế; đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công; xây dựng, khởi công ít nhất 1 trung tâm logistics… Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của thành phố để thực hiện chủ đề năm 2025 cũng như sắp xếp tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thực hiện mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Dũng nói.