Hành động để thúc đẩy cải cách kinh tế
Đồng bộ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng | |
Đẩy nhanh tái cơ cấu các DN | |
Nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch |
Gói gọn trong 2 từ: “Ấn tượng”
“Có thể nói là rất ấn tượng. Việt Nam đã có những bước tiến rất quan trọng những năm vừa qua trong việc hội nhập vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã hiện diện trong chuỗi giá trị thương mại hàng điện tử: Từ vị trí thứ 39 năm 2006, chỉ sau 10 năm, Việt Nam đã vươn lên đứng ở vị trí 12. Và tôi hy vọng, năm sau khi có dịp trở lại Việt Nam thì các bạn đã lọt vào vị trí 10 quốc gia hàng đầu về thương mại hàng điện tử”, ông Douglas Lippoldt - chuyên gia kinh tế trưởng về thương mại thuộc Khối Nghiên cứu Tập đoàn HSBC phát biểu.
Muốn duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách |
Hay tương tự là hàng dệt may - ông dẫn chứng: dù Trung Quốc thống trị trong ngành này nhưng trong giai đoạn 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ 93% trong khi Việt Nam tăng trưởng 372%. Về nông sản cũng vậy, sau khi vươn lên là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu các nông sản thô như gạo, cà phê… thì Việt Nam cũng đang dần chuyển sang các mặt hàng nông sản qua chế biến nhiều hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất thành công trong việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của mình và điều đó tiếp tục hỗ trợ tốt cho tăng trưởng của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, qua tiếp xúc với các NĐT nước ngoài thì rất nhiều trong số họ vẫn coi Việt Nam là một điểm đến rất quan trọng và hấp dẫn. Vị trí địa lý thuận lợi, chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế nằm trong tốp đầu của khu vực, thương mại hội nhập sâu và xuất khẩu tăng trưởng tích cực, thị trường ngoại hối khá bình ổn, chi phí nhân công hợp lý… là những yếu tố để các NĐT nước ngoài muốn vào đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Đó cũng là những cơ sở để HSBC có cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 3-5 năm tới. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn hơn sẽ phụ thuộc vào công cuộc cải cách các vấn đề của kinh tế trong nước. “Cải cách là lựa chọn duy nhất và Việt Nam không còn nhiều thời gian”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam phát biểu.
Vẫn có nhiều vấn đề nội tại phải giải quyết
“Việt Nam cần thông qua cải cách để tháo gỡ được những điểm nghẽn có thể ngăn cản tốc độ phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam”, theo ông Douglas Lippoldt. Trong đó, tái cơ cấu DNNN, thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật… là những vấn đề cần tập trung thúc đẩy. Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn trong tự do hóa thương mại, đầu tư.
“Chúng ta thấy rằng, tự do hóa về thương mại hàng hóa thì Việt Nam đã làm khá tốt nhưng tự do hóa về dịch vụ thì Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa vì nếu không làm được sẽ cản trở cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, ông Douglas chỉ ra.
Hơn nữa, cho dù bức tranh về xuất khẩu rất tích cực với các mặt hàng chế biến, chế tạo (đặc biệt là hàng điện tử) ngày càng chiếm tỷ lệ lớn thì chủ lực trong xuất khẩu lại là các DN FDI.
“Khu vực FDI đang có kết quả xuất khẩu rất tốt. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của họ đang là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với xuất khẩu cũng như tăng trưởng GDP của Việt Nam trong khi những DN trong nước lại đang rất khó khăn, đặc biệt là các DNNVV”, ông Hải cho biết và nêu quan điểm: “Mô hình tăng trưởng như thế này sẽ không bền vững nếu chúng ta chỉ dựa quá nhiều vào khu vực FDI”. Phân tích kỹ hơn, ông Hải cho rằng NĐT nước ngoài luôn tìm kiếm và lựa chọn các cơ hội ở mọi nơi và FDI rất có thể sẽ chuyển đến các thị trường khác, như Bangladesh nếu ở đó có chi phí thấp hơn và môi trường hấp dẫn hơn so với Việt Nam và đó là điều mà Việt Nam cần phải lường trước.
Theo ông Phạm Hồng Hải, vấn đề đặt ra hiện nay không phải là chúng ta phải bằng mọi cách thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài mà cần lựa chọn được những dự án FDI phù hợp và FDI đó phải tạo ra những hiệu ứng lan tỏa giúp cho các khu vực DN trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu. Một lần nữa, điều đó đòi hỏi Việt Nam cần phải hành động để thúc đẩy các cải cách kinh tế.
Thế nên dù lạc quan với tăng trưởng kinh tế hiện tại nhưng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhấn mạnh rằng, Việt Nam vẫn có nhiều vấn đề nội tại phải giải quyết. “Nếu chúng ta tự mãn, cho rằng tăng trưởng như thế là tốt rồi và không cần phải cải cách nữa thì trong một vài năm nữa Việt Nam sẽ bị nhiều nền kinh tế khác vượt xa”, ông Hải cảnh báo.
Thực tế thì tăng trưởng GDP của Việt Nam đã chậm lại, từ mức trung bình 7%/năm trước đây xuống quanh mức 6% trong những năm qua. Và nếu như không có những cải cách, đổi mới mạnh mẽ để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng thì Việt Nam sẽ rơi vào rất nhiều khó khăn trong tương lai. Điều đó cũng cho thấy, để bước vào tương lai thì giờ là thời điểm Việt Nam cần hành động mạnh mẽ trong cải cách.