Đồng bộ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng
Quyết liệt đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% | |
Chìa khóa tăng trưởng nằm ở khu vực tư nhân | |
Nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch |
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Thông tin tại buổi họp báo chiều ngày 30/8, sau Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, theo chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Điều này thể hiện qua những con số như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2017 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực |
Về thành lập DN, tính chung 8 tháng, có 85.357 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 822.116 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số DN tăng 16,3%, số vốn đăng ký tăng 44,8%. Có 19.154 DN trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, nay đã trở lại hoạt động, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng cùng kỳ tháng 8/2016. Tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành tăng 6,7%.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2.580 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng lượng khách quốc tế trong tháng 8 ước đạt 1,23 triệu lượt khách, tăng 18,5% so với tháng trước, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách quốc tế ước đạt 8,47 triệu lượt khách, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng thông tin tại buổi họp báo, thị trường tiền tệ tiếp tục ổn định, tính đến ngày 21/8/2017, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12/2016. Lãi suất liên ngân hàng nhìn chung có xu hướng giảm; thị trường ngoại hối tiếp tục có diễn biến ổn định, thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu giao dịch hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống NH đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp lần này, Thủ tướng đã thống nhất và yêu cầu ngành NH tăng tín dụng mạnh hơn trong những tháng cuối năm để đạt tăng trưởng tín dụng năm nay trên 21%.
Về thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế đến hết tháng 8, tổng số thu cân đối NSNN ước đạt khoảng 762,8 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 793,56 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57,1% dự toán năm.
Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng tín dụng đạt trên 21%
Chia sẻ về thông tin Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong đó có đề xuất nâng mức thuế GTGT lên 12%, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật là để thực hiện việc tái cơ cấu NSNN, xây dựng an toàn tài chính Quốc gia. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp như đẩy mạnh về cải cách hành chính, cơ cấu lại về biên chế, chi ngân sách; tăng cường thanh tra kiểm tra để nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách.
Đối với thuế VAT có ý kiến cho rằng việc tăng thuế có thể làm áp lực cho người nghèo, người thu nhập thấp. Tuy nhiên, bà Mai phân tích: y tế và giáo dục hiện nay không thuộc lĩnh vực chịu thuế, lương thực thực phẩm bán ra chỉ khâu chế biến mới chịu thuế. Chính vì vậy, tác động tới người dân và người thu nhập thấp, người nghèo là không nhiều, bên cạnh đó người nghèo và người thu nhập thấp còn được hưởng nhiều chính sách về an sinh xã hội.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, trong đó nông nghiệp phải tăng 3,05%. “Chúng ta mừng là đến thời điểm này dù ảnh hưởng của mưa bão nhưng cũng thiệt hại ít hơn so với năm trước, bên cạnh đó lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi, hàng hóa nông sản, hoa quả có sản lượng rất tốt” – ông Dũng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, mục tiêu đặt ra trong năm nay tăng trưởng công nghiệp phải đạt 7,91%; lĩnh vực dịch vụ, du lịch tăng 7,19%. Cùng với đó phải đẩy tăng trưởng tín dụng đạt trên 21%, giải ngân vốn ODA, giải ngân vốn nhà nước đẩy mạnh; Tập trung cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. “Phải đồng bộ các giải pháp và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành thì mới mong đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.