Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Quế Phong
Ấm áp những tấm lòng | |
Nữ Tổ trưởng tận tâm với công tác giảm nghèo | |
Tín dụng chính sách ở Bắc Quang |
Huyện Quế Phong nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, có đường biên giới quốc gia dài 67km. Địa hình hầu hết là rừng núi hiểm trở, giao thông khó khăn. Tuy nhiên, vùng núi này có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế với trên 177.000ha đất có rừng và 5.567ha ruộng nước sản xuất 2 vụ. Đây chính là cơ sở để Quế Phong xác định ngành nông - lâm - nghiệp là nền tảng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tiến tới xóa hẳn nghèo.
Chanh leo đang trở thành thành cây chủ lực giúp bà con có việc làm, thoát được nghèo, vươn lên khá giả |
Từ nhận thức đúng đắn đó. Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong XX, nhiệm kỳ 2015 -2020 đề ra mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh việc liên kết giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước), trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững, tạo bước đột phá chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Quế Phong thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá.
Thực tế thời gian qua, NHCSXH đã cùng các cấp, các ngành ở vùng rẻo cao Quế Phong tham gia hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống, ưu tiên vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, tập trung vào sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế của địa phương như trồng chanh leo thâm canh vườn mía, mở rộng chăn nuôi ong, gà đen, vịt...
Tiêu biểu ở xã Tri Lễ nơi có 100% đồng bào DTTS, trước đây chỉ quen vào rừng săn bắn và sang bên kia biên giới làm thuê vác mướn nên cuộc sống rất vất vả, thiếu thốn. Năm 2010, huyện có chủ trương đưa cây chanh leo về xã trồng thí điểm. Ban kinh tế miền núi mở lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây, phân bón. NHCSXH vừa tăng cường vừa bổ sung nguồn vốn cho người dân vay thuận lợi.
Nhờ vậy đến nay toàn xã Tri Lễ đã trồng hơn 120ha, mỗi năm thu tới 300 tấn quả. Với giá bán 13 - 15 nghìn đồng/kg chanh quả, bình quân mỗi nhà ở xã Tri Lễ trồng 40 - 50 gốc thu nhập khoảng 50 triệu đồng/vụ. Cây chanh đã bén rễ và trở thành cây chủ lực không chỉ giúp bà con có việc làm, thu nhập ổn định mà còn thoát được nghèo, vươn lên khá giả.
Đơn cử như gia đình chị Vi Thị Duyên, dân tộc Thái ở bản Yên Sơn trồng 1ha chanh leo kết hợp nuôi lợn, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cùng bản với chị Duyên, anh Vi Văn Sơn sử dụng 30 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Quế Phong xây dựng mô hình trồng chanh leo trên giàn kết hợp với trồng gừng, nuôi gà phía dưới giàn, năm qua thu lãi được số tiền 45 triệu đồng. “Chi phí cho một sào chanh leo gồm giống, cột làm giàn, phân bón khoảng 5 triệu đồng. Sau 8 tháng trồng, chanh leo cho thu hoạch tới 10 tấn. Với giá thị trường hiện nay thì thu nhập cao gấp 5- 6 lần so với trồng ngô, lúa”, anh Sơn chia sẻ.
Mô hình vay vốn ưu đãi và đưa tiến bộ kỹ thuật để trồng cây chanh leo đã được nhân rộng từ xã Tri Lễ sang các xã lân cận, lên tận các xã vành đai biên giới Việt Lào như Nậm Nhóng, Nâm Giải, Tiền Phong... đến nay toàn huyện trồng được hơn 300ha. Mục tiêu của huyện Quế Phong là mở rộng vùng chuyên canh chanh leo lên 1.000ha vào năm 2020. Do đó, UBND huyện đã và đang tạo mọi điều kiện cần thiết, nhất là tập trung mọi nguồn lực, tăng nguồn vốn ưu đãi đầu tư giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.
Bên cạnh cây chanh leo, thời gian qua, NHCSXH huyện Quế Phong cũng đồng hành với các cấp, các ngành, thực hiện lồng ghép nguồn vốn ưu đãi với việc đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách chuyển đổi diện tích lúa kém năng suất sang trồng lúa cao sản và chăn nuôi các con đặc sản.
Cụ thể nhiều hộ dân ở các xã Chân Kim, Mường Noc, Quế Sơn đã chuyển sang trồng lúa Joponica (Nhật Bản) nâng tổng diện tích giống lúa này lên 350ha trong vụ xuân 2016, đạt sản lượng 1.600 tấn, giá bán cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa thường. Cùng với đó, nguồn vốn ưu đãi đã tham gia đầu tư hiệu quả phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở xã Châu Thôn, nuôi gà đen ở xã Châu Kim, nuôi vịt trời, vịt bầu ở xã Hạnh Dịch...
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp cho biết, đồng bào dân tộc trên vùng cao Quế Phong đã được thụ hưởng hơn 300 tỷ đồng vốn ưu đãi. Nguồn vốn này đã góp phần cải thiện đời sống, tạo thêm việc làm cho nhân dân, giúp toàn huyện mỗi năm giảm bình quân từ 4 - 5% số hộ nghèo.
Những nỗ lực vượt khó, những mô hình chăn nuôi, trồng trọt chuyên canh phát triển bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi đã mang lại hiệu quả kinh tế trên vùng núi cao biên giới Quế Phong, tạo tiền đề vững chắc cho sự chuyển động và hướng đi mới, giúp bà con vươn lên giảm nghèo bền vững, tự tin với nền kinh tế chung của tỉnh Nghệ An.