Ấm áp những tấm lòng
Ngành Ngân hàng: Chung tay chia sẻ với bà con vùng lũ | |
Hỗ trợ đồng bào Quảng Trị khắc phục hậu quả lũ lụt | |
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: Hỗ trợ đồng bào Quảng Bình khắc phục hậu quả lũ lụt |
Hơn 2.100 suất quà tình nghĩa
Theo báo cáo sơ bộ, mưa lũ tại các tỉnh Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên vừa qua đã khiến 15 người thiệt mạng, 6 người mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi. Trong đó, Phú Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất, với 7 người chết, tiếp đến là Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận.
Mưa lũ cũng đã làm 45.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi 12.000ha lúa, hoa màu; cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả cũng bị ngập có nguy cơ hỏng hoàn toàn. Bên cạnh đó, mưa lũ còn khiến hơn 43.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Đoàn công tác của NHCSXH thăm hỏi, động viên và trao quà cho bà con bị thiệt hại do lũ tại xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang (Khánh Hòa) |
Những chuyến xe cứu trợ liên tục về với các xã vùng lũ để trao quà tận tay người dân, đến từng ngôi nhà… Và ở ngay tâm lũ, chúng tôi đã gặp những nụ cười ấm áp của đồng bào khi đón nhận những phần quà đơn sơ giữa dòng nước lũ.
Đoàn công tác của NHCSXH cũng kịp thời có mặt để thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn và trao tận tay hơn 2.100 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cho những gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ gây ra tại TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh (Khánh Hòa); huyện Tuy An và Đồng Xuân (Phú Yên); huyện Bác Ái (Ninh Thuận); huyện Phù Cát và Hoài Ân (Bình Định).
Đối với các gia đình có người thân bị đuối nước, NHCSXH hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Những suất quà hỗ trợ của cán bộ, viên chức và người lao động của NHCSXH tuy giá trị không lớn, nhưng đó là tình tương thân, tương ái, luôn đồng hành với bà con, làm họ ấm lòng để tiếp tục đứng lên vượt qua khó khăn.
Là một trong nhiều hộ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH của xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định) bị ảnh hưởng trong trận lũ vừa qua, chị Mai Thị Thủy cho biết: “Lũ vào tôi dọn đồ không kịp, bò dắt đi tránh lũ cũng không kịp. Thóc ướt hết. Lũ qua đi, nhà tôi phải ăn nhờ nhà hàng xóm. Số tiền hỗ trợ từ NHCSXH này gia đình sẽ dùng để mua thêm nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt trong những ngày sau lũ”.
Chị A Đớ Thị Thêm, người dân tộc Raglay, sống tại thôn Ma Lâm, xã Phước Tân, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) nhìn nhà cửa, ruộng vườn tan hoang mà nước mắt lưng tròng. Bao nhiêu năm vất vả, giờ tay trắng lại hoàn tay trắng. Đến cả gạo cũng chẳng còn ăn. Hôm nay, nhận món quà của NHCSXH, chị rưng rưng: “Giờ gia đình tôi có tiền mua thêm gạo, thức ăn rồi. Cảm ơn NHCSXH nhiều lắm…”.
Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo nơi “rốn lũ”
Và trong những ngày này, người ta càng thấy thấm thía hiệu ứng của chính sách cho vay xây dựng nhà tránh lũ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.
Gia đình ông Nguyễn Thành Hoàng, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên cùng hai gia đình khác trong xã đều tập trung ở căn nhà tránh lũ được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 48. Suốt ba ngày chống chọi với lũ, nhưng mọi người không còn lo rét mướt, và nhất là nguy hiểm đến tính mạng như mọi năm. “Gia đình tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ người dân nghèo đúng lúc, đúng việc”, ông Hoàng xúc động.
Ông nói thêm: “Nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn theo Quyết định 48, gia đình được NHCSXH huyện cho vay số tiền 15 triệu đồng, cộng với số tiền Nhà nước hỗ trợ, và sự góp sức của người thân, chúng tôi đã xây được ngôi nhà tránh lũ kiên cố, vững chắc. Mùa lũ năm nay gia đình không phải chạy lụt, người và mọi tài sản trong nhà được đảm bảo an toàn”.
Xã An Dân, huyện Tuy An cũng là một trong những địa phương có số hộ được hỗ trợ xây nhà tránh lũ nhiều nhất tỉnh Phú Yên. Phó Chủ tịch UBND xã An Dân, Nguyễn Đức Minh khẳng định: Năm 2013, xã An Dân được tỉnh chọn thí điểm xây dựng 40 nhà tránh bão, lụt cho các hộ dân. Năm 2015, xã xây thêm 28 nhà theo Quyết định 48. Thực tế cho thấy, nhờ vậy mà nhiều hộ gia đình đã giảm thiểu thiệt hại khi mưa lũ.
Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Thành Hoàng chỉ là một trong 8.000 nhà ở phòng tránh bão lụt được triển khai từ cuối năm 2014 tại 14 tỉnh khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Theo đó, mỗi hộ gia đình thuộc Đề án được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH với lãi suất 3%/năm, thời gian ân hạn 5 năm. Ngân sách Trung ương và Mặt trận tổ quốc hỗ trợ 22 triệu đồng/hộ.
Cùng với mô hình nhà ở tránh lũ, các chính sách ưu đãi về vốn vay nhằm giúp người dân vùng lũ vực dậy sản xuất là điều mà cả bà con và NHCSXH quan tâm. Theo Phó tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, đối với những hộ dân bị thiệt hại về vốn vay ưu đãi, ngân hàng sẽ có chính sách hỗ trợ bà con, khoanh nợ, giãn nợ cho vay ưu đãi tùy từng đối tượng.
Trước mắt, ngay sau khi cơn lũ đi qua, NHCSXH và các đơn vị có liên quan rà soát, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Ngoài ra, NHCSXH sẽ tiếp tục xem xét nhu cầu của bà con để cho vay bổ sung, cho vay mới, giúp bà con có nguồn vốn kịp thời duy trì SXKD, ổn định đời sống, vươn lên sau cơn lũ.