Hòa Phát - Hoa Sen: Chọn ai?
Tập đoàn Hoa Sen xây dựng nhà máy 3000 tỷ tại Hà Nam | |
Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về thị phần tiêu thụ thép xây dựng |
Ảnh minh họa |
Mới đây, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tôn mạ công suất 400.000 tấn/năm, bắt đầu sản xuất vào năm 2018. Với khoản đầu tư 4.000 tỷ đồng vào các dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh và sơn màu người ta đang kỳ vọng HPG trở thành một người chơi lớn trong ngành thép phẳng, tức cạnh tranh trực tiếp với Tôn Hoa Sen (HSG).
Sự tích cực của Hòa Phát trong cuộc đua tôn mạ màu cũng được thể hiện rõ nét trong nhiều báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK). Đơn cử, trong phân tích của CTCK HSC, đơn vị này đánh giá khá cao cổ phiếu HPG và khuyên nhà đầu tư nên mua vào.
Bởi, giới phân tích kỳ vọng HPG sẽ thu lợi lớn khi nhà máy tôn mạ tại phía Bắc đi vào hoạt động. Các sản phẩm gồm: tôn tẩy gỉ, tôn cán nguội, tôn mạ lạnh, mạ kẽm và sơn màu sẽ được tiêu thụ mạnh tại thị trường phía Bắc.
Với quan điểm của nhiều người, phần lớn các nhà máy tôn lớn nằm tại khu vực phía Nam và đây cũng chính là khu vực có mức cầu lớn nhất. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cầu đối với các sản phẩm tôn tại miền Bắc gần đây đã tăng lên nhờ những thay đổi trong thói quen sử dụng tôn là vật liệu xây dựng nhà. Đồng thời là sự gia tăng các nhà máy FDI tại đây, ưu tiên của HPG đối với phân khúc sản phẩm mới này sẽ là bắt đầu từ thị trường phía Bắc.
Rõ ràng, với 20 năm kinh nghiệm trong ngành này, HPG sẽ trở thành một đơn vị cung cấp tôn chủ chốt trong 2 - 3 năm tới đối với thị trường phía Bắc. Sự mở rộng này cũng giúp HPG tích hợp hệ thống chuỗi giá trị trong sản xuất các sản phẩm ống thép, là sản phẩm truyền thống chủ chốt thứ hai của HPG.
Thêm một điểm lưu ý nữa là khả năng tài chính của HPG đủ đầu tư nhà máy mới mà không chịu gánh nặng lãi vay quá lớn. Thông thường các doanh nghiệp ngành tôn mạ sử dụng vốn vay cho hơn 60% giá trị dự án, trong khi Hoà Phát dự kiến chỉ vay 40%.
Cấu trúc tài chính của Hoà Phát phần lớn là vốn chủ sở hữu, cộng thêm việc quy mô rộng hơn đáng kể so với các đối thủ (vốn điều lệ của HPG: 7.300 tỷ đồng, HSG: 1.310 tỷ đồng) là một lợi thế về khả năng sinh lời khi doanh nghiệp đầu tư mới. Từ đây, nhiều lời khuyên cho nhà đầu tư nên chọn mua cổ phiếu HPG từ thời điểm này.
Về lý thuyết, những điểm tích cực mà HPG đem lại đều thấy được, nhưng để khẳng định HPG sẽ vượt HSG cũng không phải đơn giản. Bởi hiện nay, có những phân tích trái chiều cho rằng chưa chắc HPG có thể vượt qua HSG trong cuộc chiến tôn mạ này.
Nói như phân tích của chuyên viên phân tích CTCK Rồng Việt, HPG với vị thế của nhà sản xuất thép xây dựng số 1 nội địa sẽ thu lợi đáng kể khi phát triển mặt hàng này, tuy nhiên có thể gặp khó khăn do cạnh tranh tại thời điểm ra mắt sản phẩm.
Đó là, Hoà Phát sẽ gặp những khó khăn nhất định khi “lấn sân” sang mảng thép phẳng. Thời điểm ra mắt sản phẩm (2018) có thể không mang lại nhiều thuận lợi bởi cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước sẽ gay gắt do hầu hết sở hữu quy trình sản xuất tương tự nhau. Việc lựa chọn đối đầu trực tiếp với tôn mạ giá rẻ nhập khẩu tại thị trường miền Bắc cũng là một rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm của HPG.
Cuối cùng, HPG chủ yếu tập trung bán hàng ở thị trường nội địa, ít kinh nghiệm xuất khẩu so với các doanh nghiệp tôn mạ thường xuất khẩu khoảng 50% sản lượng sản xuất. Khi gặp khó khăn tiêu thụ tôn mạ trong nước, HPG sẽ cần thời gian để đẩy hàng xuất khẩu với tốc độ như HSG, NKG đang làm.
Suy cho cùng, để đánh giá toàn diện lợi thế và khó khăn của HPG khi quyết định sẽ “ôm trọn” ngành thép nội địa, bộ phận nghiên cứu của Rồng Việt cho rằng Hoà Phát đã chọn một nhánh rẽ nhiều thử thách, nhưng sẽ tận dụng tốt thế mạnh của DN đầu ngành để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên thị trường vật liệu xây dựng…