Hoàn thiện các quy định, xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính
Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo | |
Tăng cường công khai minh bạch để phòng, chống tham nhũng | |
Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm |
Sáng nay (7/11), sau 1,5 ngày thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, các ý kiến đại biểu đã có sự phân hóa thành 2 luồng khác nhau. Trong khi những đại biểu không nằm trong ngành tư pháp cố gắng truyền tải ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân đến Quốc hội tệ nhũng nhiễu, cố ý làm trái của cán bộ tư pháp thì một số ý kiến đại biểu trong ngành tư pháp lại cho rằng, nói như vậy là không ghi nhận nỗ lực của ngành này.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho biết, về cơ bản tôi nhất trí các báo cáo của cơ quan tư pháp, đặc biệt là Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Văn Chiến bổ sung thêm rằng, thời gian qua tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, việc xử lý tội phạm nói chung và tham nhũng cũng như thu hồi tài sản chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu kém trong công tác thanh, kiểm tra phát hiện tội phạm.
Nhiều vụ án kinh tế hàng năm đã được kiểm toán, bộ, ngành thanh tra, cao hơn là Thanh tra Chính phủ vào cuộc nhưng kết luận chỉ là vi phạm hành chính, rút kinh nghiệm. Điển hình là vụ án Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã thanh tra xác định Trịnh Xuân Thanh không vi phạm, phong anh hùng lao động, điều chuyển vị trí công tác mới, sau này xác định đây là vụ án hình sự tham nhũng lớn. Cử tri hỏi trách nhiệm cơ quan đã kết luận không sai phạm như thế nào?
Về công tác điều tra, xử lý tội phạm thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhiều vụ án đưa ra xét xử nhưng không đủ căn cứ kết tội, lẽ ra phải tuyên bị cáo không phạm tội theo tinh thần cải cách tư pháp nhưng hồ sơ lại được điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung hết không chứng minh được tội phạm lẽ ra phải đình chỉ điều tra vụ án nhưng lại tạm đình chỉ điều tra bị can.
Những lý do đã giải trình không thể thuyết phục, bộc lộ rõ yếu kém trong hoạt động điều tra. Vì những lý do bảo thủ, sai lầm trong hoạt động khởi tố điều tra, xử lý tội phạm. Dư luận cho rằng, sợ trách nhiệm làm oan nên xem ra tạm đình chỉ là giải pháp an toàn, nhưng điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của người dân được pháp luật bảo vệ.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thì cho biết, qua theo dõi tình hình và nghiên cứu các báo cáo về phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, bà có một cảm giác ở Việt Nam luôn tồn tại những mâu thuẫn, nghịch lý trong xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Lĩnh vực nào có chương trình phòng ngừa giảm thiểu thì kết quả thực hiện thường có chiều hướng ngược lại.
Đơn cử, các giải pháp phòng ngừa về tội phạm vi phạm pháp luật luôn được quan tâm đẩy mạnh, nhưng một số tội phạm nghiêm trọng, số vụ giết người vẫn không ngừng tăng như tội phạm ma túy, tội phạm môi trường tăng từ 10-19%/năm. Những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri cả nước nhưng các vụ khởi tố, điều tra vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng gần 21% về số vụ và trên 28% số bị can, những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và củi tươi, củi khô vẫn an toàn sau những ồn ào, gây bức xúc xã hội.
“Đã có cử tri nói với chúng tôi nên đề nghị Quốc hội đổi tên thành Luật Diệt tham nhũng, bởi sự lan nhanh, lan rộng như virut và nguy hiểm như dịch bệnh của nó”, bà Hiền nói.
Bà Hiền đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến công tác giám sát trong hoạt động cải cách tư pháp, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đặc biệt quan tâm chú trọng về kỹ thuật lập pháp, tính dự báo, hoàn thiện hành lang pháp lý, tránh việc hiểu khác nhau nên vận dụng luật khác nhau, “ông nói gà, bà nói vịt” trong quá trình tố tụng kéo dài vụ việc, khoét sâu thêm nỗi đau của nạn nhân.
Tranh luận với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, mỗi đại biểu Quốc hội có quyền phát biểu theo quan điểm của mình và chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về những phát biểu đó. Mỗi ý kiến của đại biểu Quốc hội đều có sự lan tỏa ảnh hưởng rất lớn trong cử tri bởi đó là những "khuôn vàng thước ngọc" nên hầu hết các đại biểu đều nhắc nhở, trăn trở và phải đưa ra một nhận xét đánh giá làm sao cho thật khách quan, chính xác, công bằng, công tâm, không tô hồng và không thái quá.
Từ đó, theo ông Cầu, đại biểu Hiền quy kết rằng có một nghịch lý là lĩnh vực nào có chương trình phòng ngừa thì kết quả ngược lại và chứng minh đánh giá này bằng cách viện dẫn tội phạm ma túy, tham nhũng, môi trường phát hiện tăng. Tội phạm đã tấn công vào trường học, bệnh viện, sân bay và vào trẻ em. Từ đó đại biểu đặt ra câu hỏi tại sao những nghịch lý ấy vẫn kéo dài, và đặt câu hỏi phải chăng tính nghiêm minh, sự minh bạch không được coi trọng trong công tác xây dựng pháp luật… là sự quy kết một chiều, lấy những hiện tượng cá biệt, không phổ biến để đánh giá phủ nhận cả một chính sách pháp luật lẫn thực tiễn thành quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Ai cũng biết tội phạm là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan. Không có quốc gia, lãnh thổ nào không có tội phạm. Vấn đề là tội phạm ở mức nào, ít, nhiều, rất trầm trọng hoặc đặc biệt trầm trọng. Để nhận thức được tình hình tội phạm không còn cách nào khác là phải dựa vào số liệu thống kê. Các nhà kinh điển đã chỉ rõ thống kê là công cụ quan trọng nhất để nhận thức xã hội trong đó có tội phạm”, ông Cầu nói.
Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) thì cho biết do được truyền hình trực tiếp nên có chục nghìn cán bộ, công chức ngành Tòa án, ngành Công an, Viện Kiểm sát đang theo dõi phiên thảo luận. Đồng tình với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, ông Khanh đề nghị đại biểu khi phát biểu một vấn đề gì, việc tô hồng phải hết sức chính xác, việc bôi đen càng phải thận trọng hơn. Ông không đồng tình với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi nêu vấn đề rằng: Hiện nay việc tiêu cực, việc lót tay, việc bôi trơn trong các cơ quan pháp luật là phổ biến, diễn ra tràn lan và việc này hầu như dư luận khi tiếp xúc với cơ quan tư pháp là thể hiện việc này.
“Tôi phản đối quan điểm của đại biểu Trượng Trọng Nghĩa và tôi cho rằng đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói như thế là còn thiếu cơ sở vững chắc và chưa có căn cứ để khẳng định mang tính phổ biến ở nước ta”, ông Khanh phát biểu.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo và Báo cáo thẩm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017. Đồng thời Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình: Đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố, xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng Sau khi nghe Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hoàn chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi) để trình Quốc hội. Tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra, triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự, hoàn thiện cơ chế giám định về tư pháp. Thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu. Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản. Tăng cường thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền. Thứ ba là tổng kết, đánh giá Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu và liên thông giữa các cấp. Khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu. Thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong đánh giá, bổ nhiệm người đứng đầu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ có cơ chế hữu hiệu để loại trừ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa biến chất, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân theo phe nhóm, theo dòng tộc... Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, khắc phục tình trạng tuyên truyền hình thức kém hiệu quả. Tăng cường tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT. Cổ phần hóa doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ… Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Khi xây dựng chương trình công tác thanh tra hàng năm phải tập trung tại các tỉnh có nhiều dự án đầu tư lớn khai thác tài nguyên khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, tránh bỏ lọt tội phạm tham nhũng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng phức tạp, nhất là những vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có ý kiến. Theo dõi chỉ đạo áp dụng đầy đủ các biện pháp xác minh kê biên tài sản đối với các bị can, bị cáo trong quá trình điều tra truy tố, xét xử, thi hành án để đảm bảo thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn phòng, chống tham nhũng. |