Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm
Cần mạnh tay với nạn “hoa hồng” | |
Báo chí chống tham nhũng, lãng phí: Dấn thân và quả cảm |
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, năm 2017 công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt. Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng; khích lệ các nhân tố tích cực trong phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh những kết quả đã được, theo Tổng Thanh tra, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy Nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm.
Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.
Thêm vào đó, hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều tiến bộ nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp.
Công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt.
Nguyên nhân được chỉ ra là do việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém, một số nơi còn buông lỏng quản lý, việc đánh giá trách nhiệm của của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế, chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng. Cụ thể là thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở. Kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng.
“Qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát cho thấy cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống phòng, chống tham nhũng tuy trình độ chuyên môn đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định. Trong khi đó công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai… mất nhiều thời gian, thiếu sự đồng thuận giữa các bên liên quan”, ông Khái cho biết.
Năm 2018, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Theo đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản, thu nhập, tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền...
Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ hoàn chỉnh dự án Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật tố cáo sửa đổi trình Quốc hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất. Tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT…
Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật tố cáo sửa đổi, chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác PCTN, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng…