Hội nhập cần tư duy và hành động tương thích
Ông Nguyễn Đình Cung |
Báo cáo KTVM quý III/2015 của CIEM đánh giá lạm phát của Việt Nam đến nay được giữ ổn định ở mức thấp. Theo ông, đằng sau con số tích cực ấy có phản ảnh nguy cơ tiềm ẩn nào đối với nền kinh tế?
Chủ trương ổn định KTVM được thực hiện từ năm 2011 đã giúp cho nền kinh tế liên tục ổn định dần và khá vững chắc. Một trong những biểu hiện là lạm phát liên tục giảm và duy trì ở mức thấp. Đây là điểm sáng trong điều hành của Chính phủ.
Nhìn sâu hơn thì một trong những nguyên nhân chính giúp lạm phát giảm là giá nguyên liệu (xăng dầu, hàng hóa cơ bản) trên toàn cầu giảm đã tạo dư địa cho CSTK và CSTT mở rộng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu diễn biến giá hàng hóa nguyên liệu trên thế giới đảo chiều tăng trở lại thì sẽ tác động rất nhanh đến trong nước. Như vậy, các chính sách của chúng ta liệu có xoay chuyển kịp để trung hòa hóa các tác động tiêu cực, tránh nguy cơ làm cho lạm phát tăng nhanh trở lại?
Bên cạnh đó, cần làm sao đưa được các lợi ích có được từ ổn định KTVM, đặc biệt là lạm phát này tác động tích cực đến đời sống của người dân, đến hoạt động kinh doanh của DN. Điều này quan trọng hơn là chúng ta lại nhân việc giá giảm này để tăng giá để điều chỉnh một loại các phí như dịch vụ y tế, giáo dục hoặc là tăng thuế bởi điều này sẽ làm giảm đi, thậm chí triệt tiêu những tác động tích của của ổn định KTVM nói chung, lạm phát thấp nói riêng.
Nhìn nhận của ông về vấn đề thu chi ngân sách hiện nay?
Vấn đề tài khóa, ngân sách đang là một trong những điểm chứa đựng những rủi ro đối với ổn định kinh tế nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung. Mọi người nhìn rõ, chi ngân sách đang quá nhiều so với thu và hiệu quả chi tiêu chưa được cải thiện.
Và có lẽ ai cũng biết thu có giới hạn của nó. Nếu thu vượt quá giới hạn thì nó sẽ triệt tiêu động lực của nền kinh tế, làm cho kinh tế trở nên trì trệ. Có lẽ ở Việt Nam, ngưỡng thu đã “mấp mé” rồi và không nên tăng thu nữa.
Trong bối cảnh cân đối thu chi ngân sách đang khó khăn thì các giải pháp đặt ra là gì?
Giải pháp ở đây là nằm ở phần chi. Phần thu phải giảm, phần chi phải tăng là câu chuyện nói lâu, nói nhiều rồi và vẫn chưa làm được. Để giảm chi, theo tôi phải trả lời cho được một vấn đề nền tảng hơn. Đó là phải thay đổi chức năng, vai trò của Nhà nước.
Theo đó, cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước chỉ làm những việc nào, thì tự nhiên chi ngân sách sẽ chỉ vào những việc đó, không được chi vào các việc khác. Còn nếu như Nhà nước vẫn cứ làm nhiều thứ thì rõ ràng chức năng thế nào thì ngân sách sẽ chạy theo đó mà phân bổ. Mà xu hướng mấy năm gần đây là Nhà nước có mở rộng chức năng, hơn là thu hẹp. Chức năng của Nhà nước không thể nào lại là đi xây rạp chiếu bóng, tượng đài… tức là không nên làm thay chức năng của thị trường, xã hội.
Có rất nhiều hiệp định thương mại chất lượng cao như TPP, FTA Việt Nam – EU… sắp có hiệu lực. Theo ông, làm sao để tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định như vậy?
Hội nhập là xu thế tất yếu của kinh tế Việt Nam. Vấn đề là với mỗi hiệp định thì cơ hội, thách thức là gì? Câu hỏi tiếp theo là ai có thể tiếp nhận và hiện thực hóa các cơ hội đó? Phải làm sao để DN, người dân Việt Nam được hưởng cơ hội đó chứ không phải chỉ chủ yếu trao cho những người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Có rất nhiều việc phải làm. Nhưng một lần nữa tôi lại cho rằng quan trọng nhất là vai trò của Nhà nước. Nhà nước trước tiên phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý của mình cho phù hợp với tư duy và cách tiếp cận của thời đại mà ở đây là các hiệp định thương mại và xu thế hội nhập toàn cầu.
Tư duy của Nhà nước về quản lý Nhà nước và xã hội phải tương thích, các công cụ phải tương thích và các kỹ năng phải tương thích. Khi bộ máy Nhà nước thay đổi như vậy thì mới nghĩ đến chuyện tiếp theo là những công cụ hỗ trợ nào phải làm, phải thay đổi để cho dòng cơ hội nó đi vào được DN và người dân Việt Nam. Nói cách khác là giúp DN và người dân Việt Nam vươn tay ra để nắm bắt được lấy cơ hội đó về cho mình.
Xin cảm ơn ông!