HTX kém hiệu quả, nông dân thua thiệt
Theo thống kê, đến cuối năm 2014, cả nước có 142.800 tổ hợp tác và 18.638 HTX đang hoạt động, trong đó có hơn 10.000 HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy sản. Các HTX và tổ hợp tác thu hút sự tham gia của 12 triệu hộ gia đình.
Thế nhưng, thực tế việc thành lập mới HTX và chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012 trong thời gian gần đây diễn ra rất chậm, số HTX hoạt động có hiệu quả hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chủ yếu, ngoài vốn thiếu, năng lực quản trị hạn chế, công nghệ lạc hậu, thì công tác xúc tiến thương mại rất yếu, thiếu vắng đơn vị thành công trong việc tạo dựng thương hiệu.
Hoạt động của các HTX còn gặp nhiều khó khăn |
Ông Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền chia sẻ, là HTX miền núi nên Quý Hiền rất hạn chế về khả năng giao thương, khó khăn về tiếp thị sản phẩm. Tìm được DN mua hàng lại càng khó khăn, vì các DN không biết được năng lực sản xuất của HTX.
Bản thân các HTX vẫn phải “tự bơi”, nên nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Theo ông Ân, phần cung ứng vật tư đầu vào và phần tiêu thụ sản phẩm là hai phân khúc có thời gian tham gia ngắn nhất, rủi ro thấp nhất, thì DN và thương lái đang đảm nhiệm. Mà mục tiêu hàng đầu của DN và thương lái là lợi nhuận. Nên đầu vào thì họ cố nâng giá, đầu ra cố dìm giá. Trong khi, khúc giữa là sản xuất lại có thời gian canh tác dài, phải bỏ vốn nhiều, chịu rủi ro cao nhất thì nông dân đảm nhiệm.
Như vậy, mối liên kết giá trị trong mô hình HTX hiện tại còn khá lỏng lẻo. Chuỗi giá trị đó đang bị phân khúc theo chiều hướng bất lợi cho nông dân. Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến thừa nhận rằng, hiện HTX chỉ bán lúa tươi tại ruộng cho DN, chưa có điều kiện sấy, tạm trữ nên giá bán thấp, chưa nâng cao giá trị của lúa gạo. Chưa kêu gọi được đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu lúa, gạo cho bà con nông dân…
Tuy nhiên, các nông hộ thừa nhận vai trò của HTX trong chuỗi liên kết giá trị là hết sức to lớn. “Tôi nghĩ trong sản xuất hàng hoá không thể không liên kết mà tồn tại được… Tôi mong các bộ, ngành giúp đỡ, làm cầu nối cho HTX và DN gặp nhau”, ông Ân đề đạt nguyện vọng.
Khuyến nghị chính sách hỗ trợ, ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hưng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các HTX khi tham gia mô hình liên kết tiêu thụ nông sản sản phẩm của nông dân. Cụ thể là DN ký kết tiêu thụ nông sản trực tiếp với nông dân trên cơ sở HTX làm cầu nối liên doanh nhằm hạn chế cò mồi, thương lái ép giá, nhằm tạo ra chuỗi liên kết lâu dài, bền vững, nông dân có lợi nhất.
Đặc biệt, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần cấp thiết giúp cho nông dân phát triển cạnh tranh, khuyến khích DN hợp tác nhiều hơn với nông dân để phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, DN không thể làm việc riêng lẻ với hàng vạn nông dân, do vậy cần phải có các tổ chức nông dân làm cầu nối để tìm ra cách tổ chức và vận hành phù hợp trong mỗi lĩnh vực sản xuất.