Hướng đến chuẩn mực kế toán công quốc tế
ICAEW chia sẻ chuyên môn về chuẩn mực kế toán công quốc tế | |
Sắp ban hành 8 chuẩn mực kế toán Việt Nam (đợt 1) |
Trong nỗ lực tiệm cận với các chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS), việc xây dựng được báo cáo tài chính (BCTC) chính phủ hợp nhất (WGA) sẽ giúp chính phủ có được bức tranh tổng thể, toàn diện liên quan tài sản có, tài sản nợ mang tính chất trọng yếu của quốc gia, từ đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công cũng như hỗ trợ chính phủ khi đưa ra quyết định điều hành kinh tế phù hợp.
Nhìn từ nước Anh, đầu những năm 2000, chính phủ Vương quốc Anh chính thức giao nhiệm vụ lập WGA cho Bộ Ngân khố Hoàng gia Anh. Năm 2009, báo cáo WGA đầu tiên được lập dựa trên chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) và đến năm 2011, lần đầu tiên chính phủ Anh thực hiện công bố báo cáo WGA ra công chúng. Theo đó, từ đầu vào là các báo cáo của chính quyền Trung ương Anh (gồm khoảng 5.500 đơn vị), chính quyền địa phương (khoảng 650 đơn vị) và các DN của chính phủ (khoảng 100 DN) đã được tổng hợp để có đầu ra là báo cáo WGA.
Ảnh minh họa |
Nhờ WGA, người ta có được một cái nhìn toàn cảnh về tình hình tài chính của chính phủ Anh như một tập đoàn với toàn bộ tài sản, nợ phải trả, chi tiêu và các dòng thu nhập chính. Cũng nhờ WGA, chính phủ nước này có thể đánh giá được ảnh hưởng của các quyết định chính sách đến các kết quả KTVM như thay đổi chi tiêu phúc lợi xã hội, lương hưu, các quyết định vay nợ…
Đồng thời, khi tính minh bạch tăng lên nhờ WGA đã dẫn đến tăng trách nhiệm giải trình và khả năng đưa ra quyết định tốt hơn cho chính phủ. Đơn cử nhờ báo cáo WGA, Anh phát hiện ra thâm hụt lương hưu và từ đó dẫn đến những quyết định thay đổi chính sách như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và các khoản đóng góp…
Ông Henning Diderichs – chuyên gia quản lý BCTC công của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho biết, khu vực công là một khu vực phức tạp, được cấu thành từ rất nhiều yếu tố như GDP, chi tiêu công, hệ số thất nghiệp, mức nợ công, thuế... Vì vậy WGA ra đời để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cho khối này. Và để xây dựng báo cáo WGA một cách hiệu quả nhất, mỗi bước trong toàn bộ quá trình cần phải được thực hiện một cách chính xác và cẩn trọng. Các bước này bao gồm: Chuẩn bị một nền tảng thông tin tốt, thu thập dữ liệu đầy đủ, chính xác; thực hiện công tác kiểm toán tại đơn vị; Soát xét phân tích, công bố…
Tuy nhiên, quá trình tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế cũng phải cần thời gian và sự chuyển đổi từng bước cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Năm 2015 chúng ta đã có luật kế toán sửa đổi. Đến tháng 3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/NĐ-CP về BCTC nhà nước, gồm báo cáo tình hình tài chính nhà nước, báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh BCTC nhà nước. Trong đó, nghị định nêu rõ, nội dung báo cáo tình hình tài chính nhà nước gồm: Tài sản của nhà nước, nợ phải trả của nhà nước và nguồn vốn của nhà nước. Nghị định 25 cũng giao Kho bạc Nhà nước (KBNN) giúp Bộ Tài chính lập BCTC nhà nước toàn quốc để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Theo ông Vũ Đức Chính - Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, để triển khai Nghị định 25, vụ này đang xây dựng một thông tư hướng dẫn BCTC hợp nhất của các đơn vị dự toán cấp trên như các bộ, ngành. Bên cạnh đó, KBNN cũng triển khai xây dựng một thông tư về quy trình lập BCTC nhà nước. Như vậy, có thể hình dung tới đây, trong triển khai Nghị định 25 và các thông tư liên quan thì các đơn vị dự toán theo từng cấp ngân sách sẽ lập BCTC hợp nhất của đơn vị mình gửi cho KBNN đồng cấp. KBNN đồng cấp căn cứ vào BCTC hợp nhất của các đơn vị và các thông tin khác sẽ lập BCTC theo cấp chính quyền địa phương. Và KBNN trung ương sẽ lập BCTC nhà nước của cấp chính phủ.
Nhìn về tương lai xa hơn, việc xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc gia trên cơ sở IPSAS cũng đã được đưa vào chiến lược phát triển kế toán kiểm toán, cùng lộ trình thay đổi kế toán công tại Việt Nam. Bởi vậy, tuy hai câu chuyện về mô hình lập BCTC công hợp nhất của Anh và Việt Nam xem ra còn khá khác nhau nhưng về nội hàm thông tin vẫn cho thấy Việt Nam đang hướng về quy định theo tinh thần của chuẩn mực kế toán quốc tế.