IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2018 và 2019 lên 3,9%
“Hoạt động kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng”, Báo cáo cập nhật nếu rõ. Theo đó, kinh tế toàn cầu ước tính tăng trưởng 3,7% trong năm 2017, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của IMF đưa ra hồi mùa thu và cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với năm 2016. Nguyên nhân do sự phục hồi đáng ngạc nhiên ở châu Âu và châu Á.
Dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2018 và 2019 cũng được IMF điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm lên 3,9%, phản ánh động lực tăng trưởng toàn cầu gia tăng và tác động dự kiến của những thay đổi về chính sách thuế của Mỹ vừa được thông qua gần đây.
Theo IMF, sự thay đổi chính sách thuế của Mỹ dự kiến sẽ kích thích hoạt động kinh tế ở Mỹ trong ngắn hạn chủ yếu do hoạt động đầu tư phản ứng đối với việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, IMF dự kiến tác động tích cực đến tăng trưởng của Mỹ sẽ kéo dài cho đến năm 2020, tích lũy tới 1,2% trong năm đó. Tuy nhiên do tính chất tạm thời của một số điều khoản, gói chính sách thuế dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trong một vài năm từ năm 2022 trở đi.
IMF cũng đánh giá, rủi ro đối với dự báo tăng trưởng toàn cầu nhìn chung đã được cân bằng trong tương lai gần, nhưng vẫn không thay đổi trong xu hướng trung hạn. Trong các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng, sự hồi phục theo chu kỳ có thể mạnh hơn trong tương lai gần như sự phục hồi của các hoạt đọng kinh tế và điều kiện tài chính dễ dàng đang hỗ trợ lẫn nhau.
Nhưng cũng có những yếu tố tác động tiêu cực. Đơn cử giá tài sản tăng cao sẽ làm tăng khả năng điều chỉnh thị trường tài chính, điều này có thể làm giảm sự tăng trưởng và niềm tin. Một sự kích hoạt có thể là sự gia tăng tốc độ lạm phát và lãi suất trong các nền kinh tế tiên tiến nhanh hơn dự kiến khi nhu cầu tăng lên.
Nếu niềm tin toàn cầu vẫn còn mạnh và lạm phát vẫn yếu thì điều kiện tài chính có thể sẽ còn lỏng trong trung hạn, dẫn tới sự gia tăng các lỗ hổng về tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Ngoài ra, các chính sách hướng nội, căng thẳng địa chính trị, và sự không chắc chắn về chính trị ở một số quốc gia cũng đặt ra những rủi ro suy giảm.
Từ đó, IMF cho rằng, xu hướng tăng theo chu kỳ hiện nay tạo cơ hội cho cải cách. Theo đó, ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với tất cả các nền kinh tế là thực hiện cải cách cơ cấu để nâng cao sản lượng tiềm năng và thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn nữa. Lạm phát yếu cho thấy sự suy giảm ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, điều đó có nghĩa chính sách tiền tệ nên tiếp tục duy trì sự dễ dãi hợp lý.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng được cải thiện có nghĩa là chính sách tài khóa cần được thiết kế gắn với mục tiêu trung hạn - đảm bảo tính bền vững về tài chính và nâng cao sản lượng tiềm năng. Hợp tác đa phương vẫn là yếu tố quan trọng để đảm bảo phục hồi toàn cầu.