iPhone là gì trong con mắt những người đã tạo ra nó?
iPhone 8 tích hợp cảm biến vân tay trong logo quả táo? | |
Apple đi trước Qualcomm hai năm về cảm biến 3D | |
Dự báo: Sẽ có 40 triệu iPhone 8 xuất xưởng vào cuối năm 2017 |
Bài viết của cây bút công nghệ Brian Merchant được đăng tải trên trang Motherboard dưới đây tổng hợp ý kiến các sử gia và của chính những người đã tạo ra iPhone, do đó có phần thiên vị. Bởi iPhone không chỉ là một chiếc điện thoại thông minh, một sản phẩm mang lại lợi nhuận cực cao, một trung tâm ứng dụng, một "cỗ máy" tuyệt đẹp, mà là nguyên nhân của sự đau khổ cho những người thợ mỏ và người lao động khắp nơi trên thế giới như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra.
iPhone là gì?
Trước tiên, tôi cố gắng hết sức để tự mình trả lời câu hỏi đó hồi đầu tuần này, nhưng nó vẫn là một câu hỏi đầy mãnh lực và khó nắm bắt, dù bên ngoài nó (câu hỏi) có vẻ đơn giản đến ngây thơ. Tôi đã đặt câu hỏi đó với một nhóm người có những trải nghiệm thực tế trên tay những chiếc iPhone mới nguyên, mong sao có được câu trả lời tốt hơn. Tôi cũng đã phỏng vấn nhiều người trong số họ trong quá trình nghiên cứu cho cuốn sách của tôi về một thiết bị mà bản thân cuốn sách là một nỗ lực (của tôi) nhằm trả lời câu hỏi đó. Vậy các nhà phát minh, nhà sản xuất, sinh viên và sử gia (về công nghệ) đã làm gì với iPhone - thiết bị đã làm biến đổi thế giới?
Tôi đã hỏi từng người một với một câu hỏi đơn giản: iPhone là gì?
Richard Williamson - Đồng phát minh iPhone, người sáng tạo ra Safari và là một kỹ sư máy tính
iPhone là một chiếc máy vi tính, một thiết bị kết nối internet không dây, (nó có) một màn hình mà bạn có thể chạm vào và được phản hồi trực tiếp, một thiết bị biết lắng nghe và đáp ứng lại yêu cầu, một thiết bị nhỏ gọn có thể bỏ trong túi bạn và luôn luôn bên bạn... Thế nhưng, những nhận định thực tế này lại gây nhầm lẫn về những điều thật sự quan trọng về iPhone.
iPhone là một bước phát triển đột phá táo bạo của loài người. Nhờ y học hiện đại, sự tiến hoá về sinh học của con người đã bị phá vỡ, chúng ta đã đánh bại "bà mẹ thiên nhiên" ngay trong chính "trò chơi" của bà. Điều đó không có nghĩa là giống loài của chúng ta đang chựng lại mà chúng ta đang tích lũy kiến thức và khám phá thế giới với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Không có một người đàn ông hay phụ nữ hiện đại nào có thể biết tất cả những thứ cần phải biết nếu như họ bị gò ép trong khuôn khổ. Sự tiến bộ đòi hỏi những công cụ giúp gia tăng trí thông minh, công cụ cho phép truy cập thông tin bằng một cú chạm bằng ngón tay hoặc ra yêu cầu bằng giọng nói. Cùng một loài, chúng ta mạnh hơn khi chúng ta làm việc cùng với nhau.
Thêm vào đó, sự hợp tác rất cần thiết cho sự tiến bộ, và dĩ nhiên nó là điều cơ bản để mở rộng những mối tương tác trong xã hội. Các công cụ phải đáp ứng được yêu cầu tạo ra thuận lợi cho (mọi người) tương tác lẫn nhau, xoá bỏ những rào cản về địa lý và trói buộc mọi người lại với nhau. iPhone là một công cụ như vậy, và hơn thế nữa.
Greg Christie - Cựu chủ tịch Nhóm Giao diện người dùng cho các sản phẩm của Apple kiêm đồng phát minh iPhone
iPhone là ví dụ tốt nhất cho một thiết bị hội tụ kết hợp công nghệ mới và thiết bị đa phương tiện (meta-media) - thực sự, một thiết bị có thể biểu đạt mọi thứ. Ngay cả khi bạn mở rộng định nghĩa về "đa phương tiện" bao gồm tin tức, thông tin, sự giao tiếp, giải trí, v.v.. Nhưng nếu đem nó ra "mổ xẻ" dựa trên các tài liệu tham khảo từ các ý tưởng và trong văn chương sẽ là đem đến cả một núi công việc. Các định nghĩa xoay quanh các nhà văn và các kĩ sư như McLuhan, Stewart Brand và Alan Kay. Để dễ hình dung, định nghĩa bắt đầu (hay kết thúc) như thế này:
Cả quyền sách to lớn "bỗng chốc thu bé lại" vào trong một chiếc điện thoại thông minh |
Imran Chaudhri - Nhà thiết kế giao diện người dùng và là người tiên phong của iPhone
iPhone là bàn đạp trên hành trình đến vùng đất hứa (của điện toán); nó là lời hứa của sự dễ dàng, phổ quát, niềm tin và sự say mê.
Nhóm thiết kế của chiếc iPhone đầu tiên của Apple (Hình ảnh được Imran Chaudhri đăng tải trên Twitter nhân kỷ niệm 10 năm của iPhone) |
Joshua Strickon - Kỹ sư đầu vào, người đã tạo ra nguyên mẫu iPhone
iPhone là kẻ "hai mặt". Một mặt, công nghệ (trên iPhone) là một cuộc cách mạng; nó là sự kết hợp mỏng manh của một thiết bị nhập liệu mới cùng với bộ vi xử lý tiên tiến có khả năng truy cập mạng. Giống như nhân vật Neo trong phim Ma Trận (The Matrix), nó (iPhone) có khả năng tải các ứng dụng, tiếp cận kiến thức và dạy những điều mới. Mặt khác, tất cả những điều tuyệt vời trên iPhone đều có cái giá của nó, sự xuất hiện của nó dẫn đến nhiều điều tệ hại đã xảy ra. Nó là một kẻ phá hoại xã hội, như một "cái vú giả" mà bọn trẻ con không thể nào rời bỏ được, một kẻ huỷ hoại môi trường.
Hoạt động giao tiếp xã hội của con người giờ đây đã được chuyển lên màn hình cảm ứng, thông qua những cái chạm vào màn hình để truyền tải thông điệp ngay cả khi họ đang ngồi trên cùng một bàn. Họ không bao giờ nhìn lên, chỉ tập trung dán mắt vào điện thoại. Các gói dữ liệu mạng với lưu lượng không giới hạn đưa video clip ca nhạc, phim ảnh trên YouTube và Netflix phục vụ cho những đứa trẻ ngỗ ngược đến nỗi các bậc cha mẹ phải kéo chúng ra khỏi (chiếc điện thoại) để mà chúng ăn tối. Bọn trẻ dán mắt vào màn hình, nhìn chòng chọc như zombie (xác sống) bên cạnh những giai điệu chói tai phát ra từ sự kết hợp âm thanh của các trò chơi điện tử miễn phí và âm thanh cường độ cao của các chương trình truyền hình dành cho trẻ con.
Ánh sáng chói lòa của chiếc điện thoại có thể làm mù mắt người ta tại rạp chiếu phim trong không gian u tối và tĩnh mịch bao trùm. Và nó (iPhone) trở thành một công cụ (mà người ta dùng để) tự quảng cáo bản thân mà không hề thấy xấu hổ khi không ngừng nghỉ đăng tải những thứ vô nghĩa về cuộc sống lên mạng xã hội.
Nhìn ra xung quanh, tôi tin rằng mình nằm trong đám thiểu số những người ra khỏi nhà và dắt theo con cái đi cùng. Từ nền tảng của bản thân, tôi cũng trau dồi cho con cái mình về công nghệ. Nhưng tôi luôn nuôi dưỡng sở thích của chúng thông qua các hoạt động khác nữa chứ không chỉ là các thiết bị công nghệ của Apple. Tôi cũng không phải là một người khắt khe trong việc cho con cái sử dụng thiết bị di động, nhưng gia đình tôi có một quy tắc hiếm có ai vi phạm đó là không được mang thiết bị di động khi ngồi vào bàn ăn tối.
May mắn thay, bọn trẻ của tôi hiếm khi đòi iPhone và thích chơi Lego hoặc đọc sách, mà sách thì dường như chúng tôi luôn mang theo mỗi khi chúng tôi ra ngoài. Tôi lo lắng không biết tương lai của những người chỉ chú tâm vào điện thoại sẽ ra sao. Công việc của tôi luôn tập trung vào những tương tác vật lý của con người với công nghệ. Tôi cảm thấy hứng thú nhất về cách mà mọi người ứng dụng iPhone ngoài những chức năng cơ bản: sử dụng nó là một công cụ để dạy lập trình, nghiên cứu sử dụng người máy, nghiên cứu máy học và nghiên cứu tầm nhìn về điện toán.
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng về một thế giới mà trong đó người ta nghiện trò chơi Candy Crush, hoặc bị té đài phun nước hoặc lái xe chập choạng trong khi bị phân tâm bởi các thiết bị nhỏ bé trong tay họ như iPhone.
Vì những điều (đã xảy ra), tôi xin lỗi!
Abigail Brody - Cựu giám đốc sáng tạo của Apple trong quá trình phát triển iPhone
iPhone là tất cả mọi thứ nhưng nó là chiếc điện thoại nằm ở ngã ba đường của nhân loại. Từ khi nó xuất hiện, con người đã tham gia vào và trở thành một bộ phận của một hệ thống và một mạng nơ-ron kỹ thuật số rộng lớn.
Điều này đang bắt đầu tạo ra dấu ấn trong vũ trụ (loài người của chúng ta). iPhone không chỉ là một trợ lý kỹ thuật số nằm trong túi của chúng ta, nó còn có ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của chúng ta: nó hướng chúng ta cách mà chúng ta chia sẻ những chuyến đi, cách chúng ta xây dựng thành phố, cách chúng ta sử dụng năng lượng, cách chúng ta thuê và trả lương cho nhân công. iPhone đã làm thay đổi bộ mặt của trái đất theo một cách chưa từng xảy ra trước đây (kể từ khi con người phát minh ra lửa).
Alan Kay - Cựu nhân viên của Xerox PARC, Cha đẻ của điện toán di động
Nó (iPhone) đang còn thiếu nhiều thứ cần thiết để nó trở nên hoàn thiện, và rất nguy hiểm vì những thiếu sót hầu như không thể nhìn thấy được.
Mô hình chiếc Dynabook chưa bao giờ được thực hiện của Alan Kay |
Frank Canova - Nhà phát minh ra chiếc điện thoại thông minh đầu tiên
Về cơ bản, iPhone là chiếc điện thoại thông minh với một giao diện người dùng mang tính cách mạng giúp cho việc liên lạc trở nên đơn giản. Có vẻ như cứ 10 năm thì lại có một sự đột phá về không dây. DynaTAC của Motorola đã làm cho điện thoại trở nên nhỏ gọn (chiếc "điện thoại di động"), Simon đã làm cho thông tin trở nên dễ mang theo trên điện thoại (chiếc "điện thoại thông minh") và iPhone đã tạo ra một thế giới di động luôn luôn kết nối. Tôi mong trong 10 năm tới, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra những thay đổi khác nữa trong cách chúng ta "gọi điện".
Li Qiang - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành của China Labor Watch, Cựu nhân viên của Foxconn
iPhone là một trong những phát minh công nghệ gợi cảm nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, những hệ lụy đã bị che khuất bởi sự phổ biến và vẻ bình thường của nó (iPhone) chính là sự khai thác tàn bạo trong ngành công nghiệp (di động) đối với những người lao động thấp cổ bé họng trong xã hội.
Ai - Nhân viên lắp ráp iPhone tại nhà máy của Foxconn
Chỉ là công việc của tôi thôi. Đơn giản chỉ có vậy!
Liang - Cựu công nhân nhà máy của Foxconn
Với tôi, iPhone là những thứ này: Thứ nhất: công cụ kết nối mạng; thứ hai: công cụ kiếm tiền; thứ ba: một thương hiệu điện thoại; thứ tư: một cách để thể hiện bản thân của một người.
Carolyn Marvin - Nhà sử học về công nghệ tại Đại học Pennsylvania, Tác giả của cuốn sách "When Old Technologies Are New"
Thiết bị trở thành biểu tượng cho kỷ nguyên điện tử (E-age) được biết đến nhiều nhất chính là chiếc iPhone, cũng chính nó đã làm cho chúng ta có những suy nghĩ không đúng đắn về những người trong xã hội có khả năng chi trả nó (iPhone). Bản thân chúng không phải là những ảnh hưởng (xấu) mà chúng ta buộc phải tính toán đến, mà chính là ở cách con người sử dụng chúng.
Những chiếc điện thoại thông minh gia cố thêm cho các bất bình đẳng trong xã hội, chính trị và kinh tế đang tồn tại và thúc đẩy chúng tiến nhanh lên những hình thái mới hơn trong nội bộ một quốc gia hay trên phạm vi toàn cầu, trong ngắn hạn hay dài hạn. Chúng tạo ra những thói quen về sự bất bình đẳng thuận lợi, thỏa mãn và khát vọng giữa con người với nhau.
Bent Stumpe - Nhà tiên phong về cảm ứng đa chạm, Kỹ sư kỳ cựu của CERN
Ngày nay, về cơ bản iPhone là một thiết bị điện tử cho phép con người giao tiếp với người khác trực tiếp hay gián tiếp mở ra khả năng giao tiếp bằng hình ảnh, video cũng được sử dụng rộng rãi. Hiệu năng tốc độ kết nối của các hệ thống mạng được cải thiện giúp mở ra nhiều ứng dụng mới hơn.
Tuy nhiên, iPhone còn hơn thế!
Mỗi người khi sử dụng iPhone chính là đang phát triển sự phụ thuộc của riêng họ vào thiết bị, điều này được các nhà sản xuất và các công ty điện thoại quan tâm đến lợi ích thương mại thúc đẩy. Việc sử dụng iPhone đã thấm sâu vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhiều đến mức chúng ta đang dần thay đổi hành vi cá nhân của chúng ta và hành vi của chúng ta đối với người khác, dẫn đến việc thay đổi về văn hoá diễn ra liên tục trong cuộc sống của chúng ta.
Đối với hầu hết mọi người, đây (chưa) phải là vấn đề, nhưng đối với một số người bị "nghiện" nặng (iPhone nói riêng và smartphone nói chung), nếu cách ly họ khỏi chiếc iPhone trong một khoảng thời gian ngắn, có thể làm cho họ bị rối loạn tâm thần hoặc thậm chí dẫn đến suy sụp.
Tôi tin rằng bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng nên kết hợp các bài học về những khả năng vô hạn mà iPhone mang lại và nên tích hợp vào hệ thống giáo dục những thông tin cập nhật về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng nó.
Bent Stumpe |
Adrienne LaFrance - Nhà phê bình công nghệ, biên tập viên tại The Atlantic
Một trong những điều làm tôi kinh ngạc nhất cho tới bây giờ ở một thiết bị bé nhỏ với màn hình sáng đẹp và nổi bật đó chính là bạn có thể mang nó theo trong túi, điều này thật tuyệt vời. Có nghĩa là thiết bị này (iPhone) và những thiết bị ăn theo nó, cùng với một loạt các nền tảng (hệ điều hành) thân thiện với người dùng và có kết nối internet, đã biến hàng tỷ người thành những nhà xuất bản. Hãy suy nghĩ về điều đó một chút! Tại Mỹ, quyền tự do báo chí - đã có từ lâu, rất lâu - nhưng tại thời điểm ban đầu, thực sự chỉ dành cho những người có khả năng mua những chiếc máy in nặng nề bất tiện và đắt đỏ hoặc thiết bị truyền thanh.
Một trường hợp đã diễn ra cách đây hơn 200 năm, đó là khi Tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ (Bill of Rights) được thông qua vào năm 1791, sự xuất hiện của nó chính là một phần lớn trong sự tồn tại của quốc gia này. Internet và web di động đã thay đổi tất cả điều đó. iPhone đồng thời đã mở ra một kỷ nguyên điện toán và xuất bản ở khắp mọi nơi. Mười năm đã trôi qua, nhưng điều này vẫn còn rất thú vị đối với tôi, một phần là bởi vì chúng ta mới chỉ bắt đầu giải quyết ý nghĩa của việc dân chủ hóa quyền xuất bản. Dù là tốt hay xấu, điều đó thật tuyệt vời.
David Michaud - Chuyên gia khai thác mỏ, người sáng lập công ty 911 Metallurgy, người sử dụng iPhone lâu năm
Tôi nghĩ rằng iPhone nói riêng và "điện thoại thông minh" nói chung đã biến cả một thế hệ thành zombie (xác sống) - thứ không nên có mặt ở bất cứ đâu và không thể ở với bất cứ ai. Hàng triệu tấn chất thải được moi lên từ mặt đất và vô số hóa chất độc hại đã được sử dụng để tạo ra những chiếc iPhone mà tất cả mọi người đều yêu thích.
Adam Minter - Chuyên gia về rác thải điện tử, tác giả của cuốn "Junkyard Planet"
Gần đây tôi có viếng thăm một công ty tái chế điện tử của Vermont và lang thang qua một kho chứa đầy các thiết bị đã lỗi thời và khó tái chế: máy đánh chữ (chạy bằng điện), máy chơi điện tử console, máy hát cổ (dùng các cuộn băng từ), bộ khuếch đại cho đàn ghi ta, TV, quang phổ kế, loa âm thanh nổi và ngay cả một số bảng điều khiển hình ảnh trong y tế. Tôi nghĩ sự pha trộn tất cả những thứ này có vẻ thú vị, vì vậy tôi đã dùng chiếc iPhone của mình để chụp lại chúng và đăng lên Twitter. Một vài phút sau, bạn tôi - Nathaniel Bullard, một nhà phân tích năng lượng tái tạo, đã "tweet" lại bài đăng của tôi với nội dung: "Tôi tự hỏi có bao nhiêu món trong những thứ đơn lẻ (ở trong hình này) giờ đây đã trở thành một mô-đun ở bên trong chiếc điện thoại thông minh?"
Tôi nghĩ là hầu hết trong số đó. Nhưng chắc chắn sẽ không mô-đun máy lạnh nào (có kích thước cỡ một chiếc máy hiện sóng oscilloscope, nằm ở phía trước trong bức ảnh) trong điện thoại của tôi! Một thiết bị to lớn và có chức năng chuyên dụng (như máy oscilloscope) thì vẫn là như vậy thôi, làm sao mà "nhét" nó vào điện thoại? Tôi đã sai! Một vài phút sau đó, Bullard (trả lời lại bài đăng) với một liên kết tới ứng dụng máy hiện sóng oscilloscope trên AppStore.
Ngay từ thời điểm iPhone được phát hành, hầu hết mọi người từ nhà môi trường học cho đến các nhà thiết kế các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường (sustainable designer) đều chỉ trích thiết bị này và chu kỳ nâng cấp cực nhanh của nó - về cơ bản là không đáp ứng được yêu cầu về môi trường. Và họ đã có lý. Mặc dù Apple đã có những nỗ lực đáng kể trong việc đẩy mạnh các quy trình tái chế, nhưng hầu hết những chiếc iPhone vẫn không thể tái chế được. Nhưng kể từ cuộc trò chuyện thú vụ với Nat (tên gọi tắt của Nathaniel Bullard) trên Twitter, tôi đã bắt đầu có một cái nhìn thú vị hơn về hồ sơ môi trường của iPhone.
Nếu ở thập kỷ trước, những nhà thiết kế sản phẩm sáng tạo nhất thế giới đã tập hợp lại với nhau để thiết kế ra những thứ nhằm giảm thiểu và thậm chí loại bỏ những khó khăn trong việc tái chế hoặc cần tài nguyên như đầu phát âm thanh nổi (stereo), đèn pin, TV, máy đánh chữ và thậm chí cả máy hiện sóng oscilloscope, thì tôi không nghĩ rằng họ có thể đưa ra bất cứ thứ gì tốt hơn so với iPhone cũng như những mẫu điện thoại thông minh ra đời sau đó và mô phỏng theo nó (iPhone).
Không có một dữ liệu nào cho thấy số lượng các nguyên liệu như đồng, vàng, thép và các nguyên liệu khác đã tiết kiệm được khi lựa chọn một chiếc iPhone (thường xuyên được nâng cấp) thay thế cho cả một tủ đầy các thiết bị điện và điện tử thế hệ cũ. Nhưng tôi biết (vì tôi đã đo đạc) có thể (nhét) hơn 100 chiếc iPhone 6 vào trong một không gian bị chiếm chỗ bởi một chiếc máy đo sóng oscilloscope trong kho tái chế ở Vermont và mỗi chiếc iPhone 6 có thể làm được nhiều thứ hơn so với một chiếc máy đo sóng. Tất nhiên, tổng hợp các loại nguyên liệu để tạo ra những thiết bị đó (như đồng, vàng, các nguyên tố đất hiếm, thép, thủy tinh và nhựa) sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mỗi ứng dụng cài đặt vào iPhone sẽ tiết kiệm được một lượng tài nguyên dùng để chế tạo thành một thiết bị riêng biệt như trước đây.
Vậy iPhone có bền vững, thân thiện với môi trường để có thể sử dụng lâu dài? Tôi đoán nó phụ thuộc vào cách bạn xác định thế nào là "bền vững" . Đặc biệt là đối với những người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, và Châu Phi, mua một chiếc smartphone chắc chắn sẽ sử dụng được lâu dài hơn so với một đống những thiết bị đã mua (trước đây) và những thiết bị thậm chí đã cũ và lỗi thời, bị thải ra từ những nước phát triển. iPhone là gì? Nhìn từ góc độ môi trường, nó là một sự tiến bộ đến không ngờ.