Kết nối thị trường du lịch
“Hè sôi động - nhân rộng niềm vui” | |
Hạ tầng du lịch có nhiều chuyển biến | |
Hội An và những trăn trở… |
Ba trong một
Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam là 3 địa phương liền kề nhau, cùng nằm trên trục di sản với rất nhiều tiềm năng về du lịch. Theo đó, ở khu vực có nhiều di sản văn hóa thế giới như, cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn. Bên cạnh, là những tiềm năng du lịch do thiên nhiên ban tặng, với nhiều bãi biển đẹp, khu sinh thái, sinh quyển, rừng quốc gia... Có thể khẳng định, cả ba địa phương đóng một vai trò quan trọng trên bản đồ du lịch của Việt Nam.
Việc liên kết các DN du lịch ở khu vực còn lỏng lẻo |
Nếu như trước kia, việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở 3 địa phương này thường theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng”. Tuy nhiên, những năm gần đây việc kết nối cùng phát triển đã được chú trọng. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (dự án EU-ESRT), việc liên kết giữa các địa phương cùng phát triển du lịch càng chặt chẽ hơn.
Mới đây, Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam đã cùng công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung. Bộ nhận diện thương hiệu 3 địa phương có tên tiếng Anh “The Essence of Vietnam” (Tinh hoa Việt Nam). Bộ nhận diện này được dự án EU-ESRT phối hợp với Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam hợp tác xây dựng.
Bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung mang hình tượng trái tim mở cách điệu với màu cam, màu xanh dương và xanh lục thể hiện các dòng sản phẩm cốt lõi của 3 địa phương gồm, văn hóa, biển đảo và thiên nhiên. Đặc biệt, nó đã toát lên được sự liên kết, tính cởi mở, thân thiện của con người miền Trung...
Bên cạnh đó, ngành du lịch 3 địa phương cũng đã xây dựng trang web du lịch chung, có địa chỉ http://www.theessenceofvietnam.com. Trang web nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch ở khu vực, khuyến khích du khách khám phá nhiều hơn, lưu trú lâu hơn, hướng tới gia tăng đóng góp của “ngành công nghiệp không khói”. Website được thiết kế với cấu trúc đơn giản, dễ nhìn với mục đích đáp ứng nhu cầu thực tế của du khách khi muốn tìm hiểu, lên kế hoạch du lịch ở khu vực.
Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP. Đà Nẵng, từ khi có bộ nhận diện thương hiệu, trang web chung của 3 địa phương, việc quảng bá du lịch đã thuận lợi, dễ dàng hơn. Đặc biệt, các địa phương vừa có thể giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, thế mạnh của mình, vừa có thể tiết kiệm chi phí... Cũng tích cực thực hiện việc kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ từ dự án EU-ESRT, cả 3 địa phương cũng đã và đang xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến nhân các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu trong năm 2017. Trong đó, có thể kể đến Festival nghề truyền thống Huế 2017, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và Festival Di Sản Quảng Nam lần thứ VI sẽ được tổ chức trong tháng 6/2017.
Vai trò của doanh nghiệp
Không phải đến bây giờ, vấn đề liên kết cùng phát triển du lịch giữa 3 địa phương liền kề nhau, cùng có nhiều tiềm năng du lịch như ở Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam mới được đặt ra. Cách đây hơn 10 năm việc kết nối du lịch ở khu vực đã được xúc tiến. Phát huy những tiềm năng, thế mạnh du lịch ở khu vực, các địa phương đã ký kết nhiều biên bản hợp tác kết nối.
Trên thực tế, các chương trình quảng bá, xúc tiến giới thiệu “ba địa phương - một điểm đến” đã được phối hợp thực hiện, xác định thị trường quốc tế chung gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Từ đó, có nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá điểm đến ở các thị trường trọng điểm này. Chỉ tính riêng trong năm 2016, các địa phương đã cùng phối hợp tham gia hội chợ ITB Berlin, hội chợ JATA Nhật Bản, hội chợ quốc tế du lịch ITE 2016 tại TP. Hồ Chí Minh, xúc tiến đường bay Osaka - Đà Nẵng...
Cùng với đó, thời gian qua ngành du lịch Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng và Quảng Nam còn tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin về tình hình phát triển du lịch, các tour, điểm đến và sản phẩm du lịch, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực... Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Viet Da Travel (TP. Đà Nẵng) cho rằng, việc liên kết tạo ra nhiều điểm đến chung, với những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Điều này, giúp các du khách dễ dàng lựa chọn sản phẩm cho chuyến đi. Đồng thời, giúp các DN dễ dàng đầu tư, xây dựng các sản phẩm độc đáo, dựa trên lợi thế ở mỗi địa phương.
Tuy đã có những thành công bước đầu, song theo nhiều người, việc liên kết thị trường du lịch ở khu vực vẫn cần đi vào thực chất hơn. Bởi, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thì việc kết nối du lịch giữa địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, cần sớm khắc phục. Trong đó, sự liên kết của các DN lữ hành, cơ sở lưu trú giữa các địa phương còn khá lỏng lẻo, chưa đem lại hiệu quả cao.
Trên thực tế, mối liên kết bấy lâu nay ở 3 địa phương vẫn mới chỉ dừng lại ở mức độ của các cơ quan nhà nước, hiệp hội với nhau, mà vai trò của các DN trong sự kết nối còn bị xem nhẹ. Các DN lữ hành ở khu vực vẫn chưa thực sự bắt tay với nhau để tạo ra những sản phẩm du lịch chung. Có chăng, mới chỉ “nhìn ngó” nhau để xây dựng các sản phẩm du lịch “độc, hiếm” để hút khách. Bên cạnh đó, còn nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực, công tác quản lý hướng dẫn viên, xây dựng sản phẩm độc đáo, để có thể tạo dấu ấn sâu đậm cho du khách.
Để kết nối du lịch thực sự hiệu quả, nhiều người cho rằng đã đến lúc cả 3 địa phương cần phải bắt tay thành lập ban chỉ đạo, điều phối chung để kết nối hoạt động du lịch ở khu vực ngày càng hiệu quả hơn. Việc kết nối cần được thực hiện đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến từng DN lữ hành, cơ sở lưu trú. Trước mắt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò kết nối cho các DN du lịch trên địa bàn. Về lâu dài, cần có những chính sách nhằm tạo cơ chế khuyến khích DN tham gia sợi dây liên kết một cách bền vững...