Kêu gọi tổ chức xã hội tham gia lộ trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT
Sáng nay (27/5), Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cùng Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội trong hiệp định VPA/FLEGT: Tiến trình đàm phán và định hướng kế hoạch tiếp theo”.
Sau 6 năm đàm phán, Hiệp định thương mại song phương tự nguyện (VPA) về Thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) đã được Việt Nam và Liên minh châu Âu ký tắt ngày 11/5/2017. Theo lộ trình, hai bên sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định theo quy định của luật pháp từng bên.
Các lô hàng xuất khẩu sang EU phải có giấy phép FLEGT do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp trước khi làm thủ tục thông quan Ảnh: Tri Nhân |
VAP/FLEGT là một hiệp định trải qua quá trình đàm phán khó khăn và phức tạp nhất của Việt Nam và cũng là hiệp định sẽ tác động mạnh không chỉ đến những DN sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mà còn tác động mạnh đến hàng triệu hộ gia đình trồng rừng. EU đã và đang đòi hỏi mọi sản phẩm gỗ và gỗ xuất khẩu vào EU phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Vậy làm sao bảo đảm và chứng minh được gỗ hợp pháp, chứng minh thế nào… đó là nội dung đàm phán gay go nhất, kéo dài nhất, mất tới 4/6 năm đàm phán về nội dung này - bà Nguyễn Tường Vân - thành viên đoàn đàm phán cho biết. “Phần lớn DN sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam là DNNVV, Việt Nam đang có tới hơn 1 triệu hộ nông dân trồng rừng với diện tích chỉ từ 1-1,5 ha/hộ, vậy làm sao để những hộ này tuân thủ các quy định để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp, và làm sao chứng minh gỗ của họ hợp pháp. Làm sao giám sát hỗ trợ họ thực hiện đúng để bảo đảm “gỗ hợp pháp”, bà Vân chia sẻ khó khăn.
Những khó khăn đó sẽ được giải quyết khi có sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Mạng lưới các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam về Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VNGO-FLEGT) được thành lập vào tháng 1/2012. Mạng lưới đã có 61 tổ chức CSO/VNGO đăng ký tham gia. Mạng lưới VNGO-FLEGT đã có những hoạt động đóng góp tích cực và có giá trị vào quá trình đàm phán VPA/FLEGT tại các cuộc họp kỹ thuật, các hội thảo tham vấn, bản tin chính sách. Mạng lưới đã tham vấn cộng đồng DN và hộ trồng rừng về các nội dung liên quan tới cộng đồng trong Hiệp định VPA; Nghiên cứu tác động tiềm tàng của Hiệp định VPAs tới các nhóm dễ bị tổn thương (hộ dân trồng rừng, buôn bán vận chuyển, chế biến gỗ); Góp ý cho các nội dung của Hiệp định VPA trên cơ sở kinh nghiệm làm việc tại cấp cộng đồng và các kết quả nghiên cứu thực tiễn; Xây dựng cơ sở dữ liệu về tuân thủ/tác động trước khi VPA được thực thi để thực hiện giám sát. Nhưng theo bà Vân, “các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực VPA, FLEGT và kiểm soát chuỗi cung ứng rất ít”.
Hơn nữa, sau khi phê chuẩn Hiệp định sẽ tiến hành nội luật hóa các cam kết, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các bên liên quan thực thi hiệp định, các đánh giá và cấp phép FLEGT vào năm 2020. Vì vậy, sự tham gia của các tổ chức xã hội nói chung và những tổ chức như VUSTA rất quan trọng.
TS.Lê Công Lương Minh (VUSTA) cho biết, khi Hiệp định VPA được ký kết trong thời gian tới, các tổ chức xã hội/Mạng lưới VNGO-FLEGT sẽ tập trung vào các hoạt động như: Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và EU chuyển tải chính xác các thông tin liên quan VPA tới các cộng đồng và người dân; Chuyển tải các ý kiến, nguyện vọng và phản ánh của người dân về việc thực hiện VPA tới các bên có liên quan; Cùng với người dân tham gia như một bên thứ 3 giám sát độc lập các vấn đề xã hội trong quá trình triển khai VPA; Phối hợp với các bên liên quan giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra với cộng đồng khi VPA được thực hiện.
“Đây là một hiệp định mà chúng ta mong đợi, và hiệp định này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển rừng bền vững của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội vàng để ta bàn về vấn đề này, chúng tôi mong các tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn, đóng góp ý kiến nhiều hơn để Chính phủ ra được những văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn thực thi hiệp định phù hợp”, ông Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết.
Theo ông “đây cũng là thời điểm vàng để thảo luận vì hiệp định VPA/FLEGT sẽ được lồng ghép trong dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Dự thảo này đang được Quốc hội thảo luận để thông qua vào kỳ họp tháng 11 tới. Bỏ lỡ cơ hội góp ý tham gia này, là chúng ta mất thêm hơn 10 năm nữa”. Ông kêu gọi “chúng tôi mong đón nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức xã hội để luật được ban hành có tính khả thi cao, đạt được mục tiêu quản lý và phát triển rừng bền vững”.