Kiềm chế lạm phát dưới 5%, cần kịch bản nào
Lạm phát cả năm 2016 sẽ ở mức 4% - 4,5% | |
Áp lực lạm phát dồn về cuối năm | |
ADB đánh giá cao đóng góp quan trọng của NHNN trong kiềm chế lạm phát |
Lạm phát là lạm phát nào?
“Điều hành giá đã và đang làm rất tốt. Việc chọn thời điểm để điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, giá dịch vụ y tế và học phí… đã giảm thiểu được tác động cộng hưởng tiêu cực tới lạm phát”, ông Nguyễn Cao Đức – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bình luận. Quan điểm của ông Đức là cố gắng tránh những nhận định cảm tính và dự báo cảm tính để giảm thiểu tác động từ những nhận định cảm tính này tới những người điều hành chính sách.
Ảnh minh họa |
Cùng một nhận định chung – lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức thấp, cùng một dự báo chung: lạm phát cả năm 2016 sẽ thấp hơn mục tiêu 5,5% Quốc hội và Chính phủ cho phép. Song đang có những nhận định và dự báo cụ thể với những con số khác nhau bởi cách tính lạm phát khác nhau. Trong cùng một ngày 7/7/2016, tại Hội thảo của Viện Kinh tế tài chính, đã có nhiều dự báo đưa ra nhưng chính TS.Nguyễn Đức Độ cũng phải nói: “Có dự báo cho rằng lạm phát 2016 ở mức 4,8-5,2%, có dự báo ở mức 4%…
Nhưng các dự báo không nói rõ đó là lạm phát nào, lạm phát tháng 12 năm này so với tháng 12 năm trước, hay lạm phát bình quân so cùng kỳ?”. Ông Độ vẫn kiên định với dự báo ông đưa ra từ cuối quý I/2016 đó là lạm phát chỉ tăng quanh mức 1% vì ông loại trừ yếu tố tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục, và “chưa biết giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ được quyết định tăng ở mức nào”.
Ông đưa ra quan điểm sử dụng lạm phát trung bình làm chỉ tiêu bởi với cách này lạm phát sẽ có tính ổn định hơn, dễ dự báo hơn và biến động chậm hơn khiến dự báo cả năm dễ dàng hơn, từ đó sẽ có những quyết định điều hành tốt hơn tránh những tình trạng “hốt hoảng” không đáng có khiến cho người điều hành phải thắt chặt chính sách.
Một lưu ý quan trọng nữa – theo ông Độ: tăng trưởng kinh tế quyết định lạm phát trong trung dài hạn và lạm phát thể hiện tăng trưởng. Nếu tăng trưởng kinh tế những năm tới chỉ ở mức 6,2%/năm thì lạm phát 2016-2018 cũng chỉ tăng ở mức 1% (loại trừ tác động tăng do biện pháp hành chính).
“Thế giới có 180 phương pháp dự báo giá cả và lạm phát. Việt Nam thì đang dự báo theo kinh nghiệm chứ chưa thấy mô hình dự báo nào hợp lý”, PGS.TS. Ngô Trí Long lên tiếng.
Ông cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay khó đạt được. Và nếu với sự điều hành thận trọng, mức độ lạm phát chung cả năm sẽ khoảng 4,2%. Nhưng lạm phát vẫn tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường và có nhiều dự báo gây áp lực lên giá cả, nếu có những diễn biến phức tạp do yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới, biến đổi khí hậu… và cả yếu tố nội sinh, thì không loại trừ việc lạm phát sẽ vượt quá mức mục tiêu 5% của Chính phủ.
Cách nào hay thì chọn
“Quốc hội đặt mục tiêu mức tăng CPI năm nay dưới 5%, nhưng không nói rõ là theo cách tính nào. Vậy thì ta cứ thấy cách nào hay thì chọn”, TS. Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại lên tiếng. Theo ông, nếu tính theo so sánh với CPI tháng 12/2015 thì CPI cả năm vào khoảng 5 đến 5,5%. Nhưng nếu sử dụng CPI bình quân cùng kỳ thì CPI cả năm sẽ đạt được mục tiêu dưới năm 5%, cụ thể là 3,5%, 4% hoặc xấu nhất cũng dưới 5%, theo ông Phương.
Theo ông Long, để kiềm chế lạm phát dưới 5%, Chính phủ cần xây dựng những kịch bản khác nhau. Ông cũng nhắc lại rằng có nhiều dự báo lạc quan đã được đưa ra với mức tăng 3,5 đến 4% so với cuối năm 2015, trước khi tăng mạnh hơn vào năm 2017. Nhưng “người điều hành không thể chủ quan và vẫn phải rất quan tâm đến lạm phát, đặc biệt phải cẩn trọng với vốn dồn vào bất động sản, cẩn trọng với nguy cơ hứng khởi quá đà của thị trường bất động sản”.
“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra là phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý”, ông Long kiến nghị. Và trong trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều hành giá, tránh điều chỉnh cùng thời điểm.
Và về giải pháp để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức đã đặt ra, ông Nguyễn Lộc An – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhắc lại: mặc dù thị trường hàng hóa 6 tháng đầu năm chịu nhiều tác động bất lợi do thời tiết, môi trường, do giá thế giới và do cả việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng, nhưng do công tác điều hành sát sao nên thị trường khá ổn định, các vấn đề phát sinh được xử lý kịp thời, hiệu quả và CPI chỉ tăng ở mức thấp. Nhưng những tháng tới còn phải lường cả những tác động tiêu cực từ biến động chính trị ở một số nước, và biến động thị trường hàng hóa thế giới…
Ông lưu ý để kiềm chế lạm phát, phải sát thị trường đảm bảo cung cầu hàng hóa, kiểm tra giá… Đặc biệt, thông thường hàng năm từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, giá thành sản phẩm xăng dầu thế giới hay tăng. Để tránh tác động của giá xăng đầu vào cao tới CPI trong nước, cần linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu kết hợp với điều chỉnh giá hợp lý. Với việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế và giáo dục, nên giãn tiến độ tăng phí y tế vào dịp cuối năm nay nhằm hạn chế mức tăng CPI chung. Trong trường hợp điều chỉnh một đợt thì cần tránh những dịp mà thị trường hay có biến động lớn như dịp cuối năm, các kỳ nghỉ lễ nghỉ Tết…
“Điều hành giá đã và đang làm rất tốt. Việc chọn thời điểm để điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, giá dịch vụ y tế và học phí… đã giảm thiểu được tác động cộng hưởng tiêu cực tới lạm phát”. |