Kiến nghị vướng mắc Nghị quyết 42
Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho xử lý nợ xấu | |
Tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 |
Ảnh minh họa |
Theo đó, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là cơ sở pháp lý quan trọng cho các ngân hàng, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đó Nghị quyết 42 đã cho phép các TCTD có cơ chế về tài chính, xử lý các vấn đề vướng mắc về tài chính, hạch toán liên quan đến xử lý nợ xấu. Các cơ chế pháp lý cũng giảm bớt thủ tục tố tụng, thủ tục hành chính và giảm thiểu thời gian xử lý thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Biện pháp xử lý cũng đa dạng hơn trước khi có nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt nghị quyết đã cho phép các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng. Trong 2 năm qua NHNN Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành hữu quan ra nhiều văn bản chỉ đạo nhằm hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngân hàng ở TP.HCM, nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 42 còn chưa đầy đủ dẫn đến không thống nhất trong cách xử lý thủ tục thu hồi nợ xấu cho ngân hàng. Trong đó có thủ tục hợp thức hóa cấp giấy chứng nhận phần diện tích đất trên đất chênh lệch so với giấy chứng nhận và diện tích đất thế chấp ngân hàng.
Ví như, thời điểm DN vay vốn thế chấp 1 ha, nhưng đến khi rơi vào nợ xấu số đất lại nở ra 1,2 ha. Nguyên do chủ đất đã mua thêm, nhưng phần mua thêm chưa phải đất thổ cư nên chính quyền cơ sở không chứng nhận cho ngân hàng thu hồi tài sản đảm bảo vì còn có phần đất nông nghiệp dính vào tài sản đảm bảo nợ vay.
Chưa kể các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp của ngân hàng trước đây gần như không thể hiện được nội dung thỏa thuận cụ thể được quyền thu giữ tài sản đảm bảo hoặc có thỏa thuận nhưng sử dụng các thuật ngữ chung chung như TCTD được quyền phát mãi, quyền định đoạt… trong khi chưa có văn bản hướng dẫn nội dung quyền thu giữ tài sản đảm bảo được hiểu như thế nào là đầy đủ.
Mặt khác việc áp dụng quyền thu giữ tài sản còn rất nhiều hạn chế, như tài sản đảm bảo cho bên thứ ba thuê, khi thu giữ sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến bên thuê là nhà đất. Ngoài ra, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thủ tục sang tên tài sản đảm bảo là phương tiện giao thông trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác chuyển quyền sở hữu cho bên mua hoặc bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo.
Việc bán nợ xấu và tài sản đảm bảo, theo ACB, Nghị quyết 42 không điều chỉnh giá thị trường được xác định trên cơ sở nào, đơn vị nào đủ năng lực, thẩm quyền xác định giá trị thị trường. TCTD có được tự xác định giá trị thị trường của khoản nợ, giá thỏa thuận của các bên mua bán có được xem là giá thị trường?
Một đại diện Sacombank cho biết, hoạt động mua bán nợ xấu của TCTD cho các tổ chức, cá nhân chưa có nhiều do bên mua nợ còn e ngại thủ tục xử lý nợ trên thực tế gặp nhiều khó khăn về thời gian, chi phí. Thực tế đến nay cũng không nhiều tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh để hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, các TCTD trên địa bàn mong muốn cần có hướng dẫn cụ thể Điểm b, Khoản 2, Điều 7 của Nghị quyết 42/2017/QH14. Trong đó, Điểm b, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Trong đó, giải thích rõ thỏa thuận về quyền thu giữ tài sản đảm bảo theo hợp đồng bảo đảm là như thế nào để có cơ sở cho TCTD áp dụng đúng quy định. Cần có văn bản hướng dẫn rõ việc xác định tài sản như thế nào là không tranh chấp theo Nghị quyết 42/2014/QH14.
Đối với những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là các dự án dở dang có giá trị lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng các khoản nợ, khó xử lý để thu hồi nợ vay (Sacombank và SCB…). Một số đối tác muốn nhận chuyển nhượng lại dự án nhưng đề nghị ngân hàng có cơ chế chính sách về mua trả chậm không lãi suất hoặc được thế chấp lại được tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi.
Cùng với đó, cần hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến việc bán tài sản đảm bảo nợ vay ưu tiên thanh toán các nghĩa vụ trả nợ khác không tài sản đảm bảo, thủ tục sang tên cho bên mua được tài sản không phụ thuộc nghĩa vụ thuế của bên bán tài sản xử lý nợ xấu.
Từ đó, có quy định cơ quan thuế và cơ quan đăng ký có trách nhiệm cập nhật, đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu, kể cả trường hợp tài sản đảm bảo sau khi xử lý không đủ thanh toán nợ cho ngân hàng thì ngân hàng bên mua trúng đấu giá vẫn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế chuyển quyền sử dụng đất.