Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho xử lý nợ xấu
Quan trọng là quản lý chất lượng tín dụng | |
Tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 |
Nợ xấu nội bảng của các TCTD đã giảm mạnh về còn 2,02% |
Mối nguy mới cho hệ thống tài chính
Hội thảo đào tạo tạo IPAF lần thứ 6 với chủ đề “Khuôn khổ hoạt động và pháp lý trong hoạt động mua bán, xử lý nợ nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) phối hợp tổ chức vừa diễn ra trong hai ngày 27-28/5/2019.
Hội thảo đào tạo được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường do căng thẳng thương mại leo thang, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra đe dọa sự ổn định tài chính của từng quốc gia và khu vực, trong đó có khu vực châu Á. Đứng trước bối cảnh này, các diễn giả nhấn mạnh việc cần phải duy trì sự ổn định ở khu vực tài chính để giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế nói chung, hệ thống tài chính nói riêng.
Đi sâu phân tích, ông Junkyu Lee - Kinh tế trưởng, Vụ Hợp tác khu vực và nghiên cứu kinh tế của ADB chia sẻ, sau 20 năm khủng hoảng tài chính châu Á và 10 năm khủng hoảng tài chính toàn cầu, khả năng chống chịu của các nước trong khu vực tốt hơn, nợ xấu giảm đáng kể nhờ những cải cách chính sách lớn. Song, sự ổn định tài chính của châu Á hiện đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể làm gián đoạn chuỗi sản xuất của nhiều nước, sản lượng toàn cầu giảm, thị trường tài chính biến động…
“Tính liên kết tài chính cao có thể truyền dẫn các cú sốc xuyên biên giới. Điều này đã được chứng minh qua dòng vốn chảy ra nước ngoài đối với các quốc gia bị ảnh hưởng trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy nợ xấu tăng dẫn đến giảm cầu tín dụng, tăng tỷ lệ thất nghiệp và làm chậm lại trong hoạt động của nền kinh tế nước đó”, ông Junkyu Lee tỏ ra lo ngại.
Trên thực tế, tại nhiều nước tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh tác động đến tăng trưởng kinh tế, như Trung Quốc, Mông Cổ, nhất là Ấn Độ nợ xấu tăng lên mức hơn 10%... Còn ở Việt Nam, theo đánh giá của các diễn giả, tính đến cuối tháng 3/2019 tỷ lệ nợ xấu theo số liệu chính thức ở mức 2,02% là không đáng lo ngại. Nhưng nợ xấu thường tăng rất nhanh, mạnh trong khủng hoảng tài chính và phải mất nhiều thời gian để giải quyết. Vì vậy, các nước cần phải cảnh giác và có hành động giảm thiểu trước khi để nợ xấu bùng phát.
Nút thắt khung pháp lý
Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng nợ xấu tăng tác động mạnh đối với toàn bộ nền kinh tế, song theo các chuyên gia đến từ ADB, đối với hệ thống tài chính châu Á điều này còn nguy hiểm hơn vì chủ yếu dựa vào ngân hàng. Để có thể phục hồi khu vực ngân hàng cũng như giải quyết nhanh nợ xấu, thời gian tới, các nước cần coi trọng các AMC công như một công cụ hữu dụng để thực hiện điều này.
Thực tế chứng minh nhiều nước đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu thành công nhờ các AMC công được sử dụng như một công cụ hiệu quả để hỗ trợ các hoạt động kinh tế và tăng trưởng tín dụng cũng như khôi phục cho vay khu vực tư nhân. Điều này được thấy rõ qua thực tế hoạt động của một số AMC công thời gian qua như KAMCO (Hàn Quốc), SAM (Thái Lan)…
Với Việt Nam, các diễn giả cũng đánh giá Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng khi thành lập DATC và sau này là VAMC để giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách dành cho các công ty mua bán nợ cũng ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt Nghị quyết 42 được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phép tổ chức, cá nhân được mua bán khoản nợ xấu trên thị trường thay vì chỉ cho phép các công ty có chức năng mua bán nợ như trước đây. Thay đổi căn bản này giúp cho Việt Nam huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, Nghị quyết 42 cũng khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của chủ nợ là các TCTD, VAMC, DATC hoặc các AMC của các ngân hàng… qua đó tạo thuận lợi hơn trong hoạt động mua bán, xử lý nợ tại Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng, hiện khuôn khổ pháp lý vẫn bị bó hẹp, khiến cho các AMC gặp khó trong công tác xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Một trong những lý do gây cản trở xử lý nợ được ông Đức Trần – Công ty Allen&Overy Việt Nam chỉ ra đó là bỏ quên quyền thu giữ tài sản bảo đảm của người mua nợ xấu. Hiện tại chỉ có người bán là các TCTD, VAMC, DATC… được quyền thu giữ tài sản này, trong khi người mua là các NĐT trong nước cũng như nước ngoài lại không có quyền đó, mà chỉ có thể khởi kiện khi bên thế chấp không bàn giao tài sản. Điều đó khiến cho các NĐT không mặn mà để mua các khoản nợ xấu từ các định chế tài chính Việt Nam.
Ông Đỗ Giang Nam cũng thừa nhận đây là cản trở lớn đối với NĐT trong nước cũng như nước ngoài muốn tham gia mua bán nợ xấu. “Vừa qua, VAMC đã ký kết với một số định chế tài chính quốc tế như SAM, KAMCO… phối hợp xử lý nợ xấu của Việt Nam. Họ cũng sẵn sàng đầu tư mua, bán nợ xấu nhưng phải đảm bảo quyền của người mua nợ thì họ mới tham gia”, ông Giang chia sẻ thêm.
Một vướng mắc pháp lý nữa đó là đang có độ vênh chính sách giữa Nghị quyết 42 với một số Luật chuyên ngành nhất là liên quan đến Luật Đất đai. Vì vậy thời gian tới cần có sự rõ ràng, đồng bộ, hướng dẫn chi tiết trong các chính sách được ban hành để các NĐT nắm rõ thì họ mới nhiệt tình tham gia.
Ngoài ra năng lực tài chính của các công ty mua bán nợ của Việt Nam còn hạn chế cũng là một khó khăn cho việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ. Bởi vậy, theo ông Nam, thời gian qua, để khởi động thị trường mua bán nợ, VAMC đã kết nối với AMC, CIC… nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu hàng hoá trao đổi thông tin. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết phát triển thị trường này, ngoài hành lang pháp lý phải hoàn thiện, năng lực tài chính của VAMC.
Đến thời điểm này, vốn điều lệ VAMC có 2.000 và đến tháng 6 này mới được Chính phủ bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng nâng lên là 5.000 tỷ đồng. Dù theo Đề án 1058, vốn điều lệ VAMC được nâng lên 10.000 tỷ đồng, nhưng con số này còn hết sức khiêm tốn so với quy mô dư nợ toàn hệ thống hiện tại.