Kinh tế không tiền mặt: Giải pháp cho tương lai gần
Ngân hàng Việt Nam: Những trái ngọt của 5 tháng đầu năm 2017 | |
Quẹt thẻ để “giải nhiệt” cho ATM | |
Hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt |
Nền tảng hiện thực hoá mục tiêu
Giấc mơ về một nền kinh tế “không tiền mặt” không chỉ của riêng Việt Nam, đó là mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển. Nhưng giấc mơ lớn luôn tỷ lệ thuận với khó khăn và thách thức. Cuối năm 2016, Đề án Phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Những lợi ích về mặt kinh tế khi triển khai rộng rãi TTKDTM là không thể bàn cãi. Song để hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt là một quãng đường dài mà không cách nào khác là cần đi từ những bước nhỏ, vững chắc.
Phát triển TTKDTM cần thay đổi từ nhận thức và tư duy của đại bộ phận dân cư |
Sau 5 năm thực hiện Đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, hoạt động TTKDTM tại Việt Nam trên cơ sở định hướng của Chính phủ và NHNN đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra. Khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi hơn, khuyến khích phát triển TTKDTM, tăng cường quản lý thanh toán bằng tiền mặt và bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động thanh toán. Qua đó đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cũng trong giai đoạn 5 năm đó, theo đại diện Vụ Thanh toán (NHNN), hệ thống thanh toán điện tử liên NH (IBPS) trung bình xử lý khoảng trên 155.200 giao dịch/ngày với tổng giá trị trên 170.100 tỷ đồng/ngày. Thực tế, thanh toán qua hệ thống IBPS luôn chiếm tỷ trọng lớn trong các kênh thanh toán liên NH của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài.
Các phương tiện và dịch vụ thanh toán phát triển cũng đã đa dạng hơn, nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và viễn thông đã được nghiên cứu, ứng dụng, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ cho TTKDTM đã có những bước phát triển theo hướng hiện đại hoá, nâng cao chất lượng, đạt mức tiên tiến của thế giới. Trao đổi với một CEO NH, vị này cho rằng một trong những điều mà các NHTM đặc biệt chú trọng đầu tư và phát triển đó là “trái tim của NH” - hệ thống NH lõi (core banking) để không những quản lý hiệu quả mà còn tiết giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, DN.
Đơn cử như đầu tháng 2/2017, VietinBank đã chính thức đưa vào vận hành và sử dụng hệ thống Core banking mới (Core Sunshine) - giải pháp tích hợp đa kênh đồng nhất, hỗ trợ giao dịch 24/7. PVcomBank cũng đã chuyển đổi thành công hệ thống Core Banking với tên gọi Core T24. Gần đây, LienVietPostBank cũng là nhà băng chuyển đổi Core Banking thành công với Core Banking Flexcube phiên bản 12.1 của Oracle...
Nhưng vị CEO này cũng trăn trở rằng, để thay đổi tư duy “không tiền mặt”, thì không chỉ là sự thay đổi ở hệ thống NHTM, hay các đơn vị, bộ, ngành liên quan. Quan trọng hơn hết là làm sao để giúp người dân nâng cao hơn về nhận thức, thói quen của mình.
Để tiến từng bước vững chắc
Để đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả và đạt mục tiêu của Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545), NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán; các đơn vị trong ngành NH để thực hiện và phối hợp triển khai Đề án đạt hiệu quả cao nhất.
Đại diện Vụ Thanh toán cũng cho biết, một trong những mục tiêu gần nhất là xây dựng Kế hoạch tiếp tục phát triển kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS, mạng lưới POS dùng chung, mPOS. Đồng thời tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến, mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học..., trình Thống đốc ban hành trước 30/6/2017.
Một chuyên gia tài chính rất đồng tình về điểm này, ông cho rằng trường học và bệnh viện là hai trong số nhiều nơi mà gần như tất cả mọi người dân đều sẽ phải lui tới, chưa kể những địa điểm công cộng khác như siêu thị, bưu điện... Vậy thì “hãy tăng cường những thiết bị và dịch vụ thanh toán bán lẻ, trước khi nghĩ tới làm những điều to lớn khác. Phát triển thanh toán bán lẻ trong cộng đồng dân cư là mũi tên mà bắt buộc phải nhắm tới, vì điều này chắc chắn sẽ tác động tới sự thay đổi diện mạo lớn cho TTKDTM”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Phần đông tâm lý của người dân giữ tiền mặt vì họ quan niệm tiền mặt là mình giữ, còn nếu “không tiền mặt” có nghĩa là tiền của họ nhưng lại không được giữ, cầm nắm trong tay. Làm sao để giải toả lo lắng và từng bước thay đổi tư duy này là chuyện không dễ dàng. Dân cư thành thị đã vậy, huống hồ là cư dân ở khu vực nông thôn. Thúc đẩy TTKDTM, mở rộng dịch vụ tài chính, đặc biệt ở khu vực nông thôn - nơi dịch vụ tài chính truyền thống khó vươn tới - nằm trong Kế hoạch thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) tại Việt Nam. Bởi theo nhiều nghiên cứu, những quốc gia có chiến lược tài chính toàn diện sẽ đạt được những mục tiêu đề ra một cách thành công và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Hay việc đổi mới Hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán, đổi mới hệ thống thanh quyết toán trên thị trường tiền tệ và ngoại tệ liên NH, tạo cơ chế phối hợp thúc đẩy TTKDTM... đều là những mục tiêu được cụ thể hoá trong triển khai Đề án.
Với dân số lớn và tỷ lệ phổ cập tài chính thấp, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 25 nước ưu tiên tập trung các nỗ lực về tài chính toàn diện trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) đến năm 2020. Mục tiêu của sáng kiến này là sẽ giúp cho 2 tỷ người hiện nay chưa sử dụng dịch vụ NH được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Giúp người trưởng thành mở một tài khoản giao dịch là bước đầu tiến tới tài chính toàn diện. Khi đó người dân có thể sử dụng các dịch vụ mà họ cần như tiết kiệm, thanh toán, vay vốn và mua bảo hiểm. |