Thẻ tín dụng nội địa tăng ưu đãi
Mở rộng tín dụng tiêu dùng, niềm tin là mấu chốt Nhận hoàn tiền khi mở và trải nghiệm chi tiêu cùng thẻ tín dụng Sacombank JCB |
Tại BAOVIET Bank, ngân hàng này triển khai áp dụng ưu đãi giảm giá từ 20.000-100.000 đồng/lần cho khách hàng khi dùng thẻ tín dụng nội địa để thanh toán mua sắm tại chuỗi nhà thuốc Long Châu, An Khang và các siêu thị Bách Hóa Xanh, 3 Sạch. Bên cạnh chuỗi nhà thuốc và siêu thị, BAOVIET Bank cũng hợp tác với các trung tâm Anh ngữ như YOLA và Wall Street English để triển khai giảm giá học phí 15% (tối đa 500.000 đồng) khi khách hàng dùng thẻ tín dụng nội địa để thanh toán.
Đại diện BAOVIET Bank cho biết, để mở rộng thị phần thẻ tín dụng nội địa, ngân hàng này đã dừng các dịch vụ liên quan tới thẻ tín dụng quốc tế Visa trên toàn hệ thống và tập trung triển khai duy nhất một dòng thẻ tín dụng nội địa với phạm vi thanh toán trong nước. Dòng thẻ này có hạn mức tối đa 4 tỷ đồng và miễn lãi đến 55 ngày. Các ưu đãi như kể trên sẽ kéo dài đến hết năm 2024.
Tương tự, các nhà băng khác như: OCB, VietABank cũng đang thúc đẩy các chương trình ưu đãi, khuyến mãi khi thanh toán qua các dòng thẻ tín tín dụng nội địa của mình.
Hiện đã có khoảng 15 TCTD cạnh tranh phát hành các dòng thẻ tín dụng nội địa |
Cụ thể, từ nay đến hết tháng 2/2025, OCB áp dụng ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng OCB JCB. Khách hàng có thể nhận voucher từ 10.000-50.000 đồng/lượt khi thanh toán mua sắm trực tuyến bằng thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra OCB cũng dành ra 1 tỷ đồng để trao thưởng các chuyến du lịch Nhật Bản (trị giá từ 100-400 triệu đồng) cho các khách hàng quay được số may mắn hàng tháng khi sử dụng dịch vụ thẻ OCB JCB mua sắm hàng hóa dịp cuối năm.
Đối với chương trình ưu đãi “Quẹt thẻ - Rinh quà” của VietABank, khách hàng khi thực hiện giao dịch chi tiêu từ 5 triệu đồng trở lên bằng thẻ tín dụng nội địa sẽ được hoàn ngay 300.000 đồng vào tài khoản. Nếu khách hàng đăng ký mở mới thành công thẻ tín dụng nội địa từ nay đến hết 2024 sẽ được miễn phí phát hành, miễn phí thường niên năm đầu và hoàn tiền 200.000 - 500.000 đồng cho giao dịch thanh toán đầu tiên (tối thiểu 1 triệu đồng hoặc 2,5 triệu đồng). Trong khi đó, đối với thẻ Lộc Việt của Agribank, từ nay đến giữa tháng 5/2025, ngân hàng này dành 6 tỷ đồng để mở ra chương trình khuyến mãi tặng thưởng. Khách hàng có thể nhận được ưu đãi hoàn tiền tối đa 500.000 đồng/tháng cho các giao dịch thanh toán trực tuyến.
Quan sát trên thị trường cho thấy, không chỉ các NHTM tập trung đẩy mạnh mảng thẻ tín dụng nội địa, hiện các công ty tài chính cũng cạnh tranh khai thác các dòng thẻ này khá sôi động.
Chẳng hạn Mirae Asset Finance vừa qua đã đưa ra chính sách ưu đãi lớn cho dòng thẻ tín dụng nội địa, cho phép khách hàng rút tiền mặt miễn phí, rút lên đến 50% hạn mức và trả góp 0% lãi suất. Trong khi đó, VietCredit miễn hầu hết các loại phí như phí mở thẻ, phí sao kê, phí thanh toán qua POS/MPOS và phí thanh toán trực tuyến, cùng khả năng rút tiền mặt với lãi suất chỉ trên số tiền thực rút.
Theo ghi nhận của NHNN, đến cuối quý I/2024 có 15 TCTD đã phát hành thẻ tín dụng nội địa với tổng số khoảng hơn 904.700 thẻ đã được lưu hành (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng trưởng của thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%).
Đại diện các TCTD cho rằng, hiện nay với giá trị giao dịch khoảng 10.000 tỷ đồng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. Tuy nhiên, lĩnh vực này rất có tiềm năng để mở rộng. Vì so với thẻ tín dụng quốc tế, thẻ nội địa đang được xem là hướng đi phù hợp hơn với các nhà phát hành nhỏ, phục vụ nhóm khách hàng khó tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới tài chính toàn diện và ngăn ngừa tín dụng đen.
Về mặt chi phí, theo nhận định của một số chuyên gia, trung bình mỗi năm các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và Mastercard thu từ các ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại. Nếu tính tổng giá trị các loại phí các NHTM phải trả cho tổ chức thẻ quốc tế hàng năm có thể đạt mức hàng trăm triệu USD. Điều này khiến ngân hàng phải tăng chi phí hoạt động, khách hàng cũng phải tăng phí duy trì cho mục đích tiêu dùng trong nước.
Vì thế, một số NHTM đã ngừng phát hành thẻ quốc tế, chuyển sang khai thác thị trường thẻ nội địa với điều kiện mở thẻ dễ dàng hơn và chi phí sử dụng cũng thấp hơn. Trong thời gian tới, theo Chi hội Thẻ Ngân hàng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), các pháp lý về phát hành thẻ quy định tại Thông tư 18/2024/TT-NHNN có hiệu lực sẽ thúc đẩy minh bạch hóa và giải quyết triệt để các vấn đề về dữ liệu thông tin khách hàng và bảo mật thanh toán. Điều này sẽ kích thích và tăng độ thuyết phục khi khách hàng quyết định mở và sử dụng các tài khoản thẻ tín dụng nội địa. Đồng thời cũng sẽ tạo động lực để các TCTD tham gia mở thêm các dòng sản phẩm thẻ nội địa hướng đến nhóm khách hàng bình dân.