Kỷ nguyên số hoá: Cần bước đi bài bản, phù hợp
Việt Nam sẽ “số hóa” thành công | |
Ngân hàng tương lai: Số hóa mạnh mẽ, trải nghiệm khách hàng |
Số hoá đang dần trở thành “keyword” của nhiều ngân hàng |
Cơ hội cho tất cả
GS. Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới có nhắc tới khái niệm công nghiệp 4.0 (Industry 4.0), hay cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đó là một thuật ngữ bao trùm chỉ một loạt các công nghệ tự động hoá hiện đại, xu hướng trao đổi dữ liệu, công nghiệp chế tạo và sản xuất thông minh.
Con người đang ở giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0, đặc trưng bởi mạng internet ngày càng phổ biến và kết nối internet di động, bởi các cảm biến nhỏ, mạnh hơn với giá thành rẻ hơn, bởi điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn... giúp tự động hoá hơn quá trình sản xuất.
Trong rất nhiều cơ hội mang lại, thì những tiến bộ từ cuộc cách mạng công nghệ số trước kỷ nguyên CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư, tận dụng lợi thế đi sau để tiếp nhận sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng, các đối tác nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược trong việc ứng dụng khuôn khổ quản trị và kinh doanh hiện đại, tiếp thu mô hình ngân hàng số thông minh và phát triển sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.
Chuyên gia cho rằng, nếu ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam tận dụng tốt cơ hội CMCN 4.0 mang lại thì sẽ tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, có khả năng rút ngắn khoảng cách công nghệ và tri thức với thế giới.
Đón bắt và tận dụng cơ hội của CMCN 4.0, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh không đơn giản là chờ đợi và thụ hưởng thành quả từ đó. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần vượt qua những thách thức trong việc phải thay đổi chính mình, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng theo bốn nguyên tắc: đơn giản hoá, tự động hoá, sử dụng trí tuệ nhân tạo và đảm bảo an ninh bảo mật, để bắt kịp với những thay đổi của CMCN 4.0, làm nền tảng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của mỗi ngân hàng, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.
Có thể thấy thời gian gần đây các ngân hàng Việt Nam đã chủ động hơn trong nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Trong đó, nổi bật là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Nhìn vào thực tế, các công nghệ số, công nghệ mới gắn với CMCN 4.0 không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hoá, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn mà hơn hết còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hoá, giúp các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích thiết thực cho khách hàng.
Về khía cạnh kinh tế - xã hội, số hoá ngân hàng cũng góp phần tích cực thúc đẩy tài chính toàn diện ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, giúp cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho đông đảo người dân, nhất là với đối tượng thu nhập thấp, dễ bị tổn thương, vùng sâu, vùng xa, nâng cao cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính...
Quan trọng là tận dụng thế nào
Chiến lược số hoá đang dần trở thành “keyword” của không ít nhà băng. Mới nhất, có thể nói tới như trung tuần tháng 4 vừa qua, Vietcombank và Công ty tư vấn PwC Việt Nam đã khởi động dự án Chuyển đổi Ngân hàng số tại Vietcombank. Đây được coi là dự án ngân hàng số mang tính chất tiên phong trong các NHTM lớn tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành cũng nhấn mạnh 6 mục tiêu chính mà dự án Chuyển đổi Ngân hàng số hướng đến: đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; mở rộng kênh bán và tiêu thụ; tăng cường quản trị rủi ro; nâng cao chất lượng dịch vụ; giảm chi phí, tăng hiệu quả; và cuối cùng quan trọng nhất, đó là nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm 2019 của BIDV, Chủ tịch HĐQT BIDV ông Phan Đức Tú cũng nhắc tới một trong những mục tiêu năm 2019 của ngân hàng này là đẩy mạnh phát triển ngân hàng số. BIDV cũng vừa ký kết hợp tác với Viettel trong phát triển ngân hàng số; 3 sản phẩm sử dụng ứng dụng AI, Robotic của nhà băng này đã đoạt giải Sao Khuê 2019.
Với Sao Khuê 2019, Agribank cũng là ngân hàng có 2 sản phẩm đoạt giải cho hạng mục hệ thống CNTT xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng: hệ thống thanh toán kiều hối tập trung (ARS) và Hệ thống tính toán hoá đơn (BillPayment). Sacombank mới đây cũng chính thức triển khai Hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) cho phép ngân hàng này quản lý tập trung và chuẩn hoá toàn bộ hồ sơ theo thông tin khách hàng, tăng tính bảo mật, nâng cao năng lực quản trị rủi ro. LOS cũng liên kết các hệ thống khác của Sacombank để cho phép ngân hàng tra cứu lịch sử giao dịch khách hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn...
Thách thức lớn nhất hiện nay trong bối cảnh 4.0 là khoảng trống chính sách đòi hỏi phải xây dựng quy định pháp lý, giám sát những yếu tố mới của ngành Ngân hàng như: tiền thuật toán, tiền điện tử, các công ty Fintech... Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho rằng, với tốc độ phát triển quá nhanh chóng của công nghệ có thể dẫn tới thay đổi cấu trúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước rất khó để đưa ra quyết định tức thời về hành lang pháp lý phù hợp, do phải xét đến nhiều yếu tố rủi ro đặc thù với những ứng dụng mới.
Với số hoá, thanh toán là một trong lĩnh vực sẽ chịu tác động sớm, nhanh và mạnh mẽ nhất. Thấu hiểu được điều này, năm 2018 NHNN đã tham mưu Chính phủ ký Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán ngân hàng đối với các dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội; Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Đồng thời, NHNN ban hành nhiều thông tư, văn bản chỉ đạo: Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 của NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo; Thông tư 20/2018/TT-NHNN ngày 30/8/2018 quy định về giám sát các hệ thống thanh toán...
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết: Năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự thành công trong việc nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thanh toán. Thống đốc NHNN đã ký Quyết định ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa (Quyết định 1927/QĐ-NHNN ngày 5/10/2018) và Bộ Tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” (Quyết định 1928/QĐ-NHNN ngày 5/10/2018) làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng thống nhất một tiêu chuẩn tại thị trường Việt Nam, nhằm tăng cường mức độ an toàn, bảo mật và gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán.
NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), với nhiệm vụ chính là tham mưu, tư vấn cho Thống đốc về các giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý cho các công ty Fintech. NHNN cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho hoạt động công nghệ tài chính Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trình Thủ tướng Chính phủ. Khi thử nghiệm xong trong Sandbox, đơn vị thử nghiệm có thể cho phép triển khai thí điểm trong phạm vi rộng hơn, với điều kiện kết quả thử nghiệm thỏa mãn mục tiêu đề ra ban đầu và đơn vị có thể đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý liên quan.
“Với mô hình Sandbox, cả đơn vị thử nghiệm và cơ quan quản lý Nhà nước đều có khả năng giám sát công nghệ mới trong môi trường gần với thực tế triển khai, từ đó xây dựng cái nhìn tổng quan và đưa ra đánh giá khách quan về các rủi ro, tính khả thi và hiệu quả của giải pháp”, lãnh đạo TPBank chia sẻ.
Đón bắt và tận dụng cơ hội của CMCN 4.0, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh không đơn giản là chờ đợi và thụ hưởng thành quả từ đó. Hệ thống ngân hàng Việt Nam cần vượt qua những thách thức trong việc phải thay đổi chính mình, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ ngân hàng theo bốn nguyên tắc: đơn giản hoá, tự động hoá, sử dụng trí tuệ nhân tạo và đảm bảo an ninh bảo mật, để bắt kịp với những thay đổi của CMCN 4.0, làm nền tảng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của mỗi ngân hàng, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. |