Việt Nam sẽ “số hóa” thành công
Tích cực xây dựng hành lang pháp luật để phát triển kinh tế số | |
Thanh toán phi tiếp xúc: Hướng tới phát triển nền kinh tế số |
Quang cảnh hội thảo |
Lòng tin và trách nhiệm giải trình
Thụy Điển là quốc gia hiện có tới 94% người dân sử dụng Internet với tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới. Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và Internet đã giúp thúc đẩy văn hóa cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo, và tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó tạo ra những phát minh, sự tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước Thụy Điển như hiện nay. Đây cũng là một trong những quốc gia được biết tới với việc thực hiện Chính phủ điện tử rất thành công trên thế giới.
Từ kinh nghiệm của Thụy Điển trong phát triển Chính phủ điện tử, Đại sứ Pereric Högberg cho rằng, lòng tin và trách nhiệm giải trình là hai yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo thành công. “Sẽ rất khó để có thể chuyển sang Chính phủ điện tử nếu không có được lòng tin trong xã hội, cùng với đó là trách nhiệm giải trình. Ở Thụy Điển, chúng tôi thực hiện trách nhiệm giải trình rất minh bạch và đầy đủ. Tôi nghĩ khi có được 2 yếu tố đó thì hoàn toàn có thể xây dựng được chính phủ điện tử thành công ở Việt Nam”, ông Pereric Högberg nói và lấy một ví dụ, hiện nay tất cả người dân Thụy Điển đều đóng thuế qua các thiết bị điện tử. Điều đó có nghĩa là cơ quan thuế sẽ nắm được chính xác tình hình, lịch sử kinh tế của mỗi người dân, nhưng để người dân có thể chia sẻ thông tin như vậy họ phải có lòng tin vào Chính phủ.
Bàn về vấn đề lòng tin, bà Samia Melhem - Trưởng nhóm Số hóa, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, mọi người cần thay đổi tư duy nhận thức của mình về đời sống số hiện nay. “Trong Chính phủ điện tử, người dân cần cung cấp thông tin để Chính phủ biết rõ về từng cá nhân, qua đó để có thể phục vụ người dân được tốt và hiệu quả hơn. Nên tôi cho rằng, chia sẻ thông tin chính là một cách thức để xây dựng lòng tin, giúp cho nền tảng số hoạt động hiệu quả và bền vững. Đây chính là cách mà chúng ta có thể tiếp cận và hướng tới trong xã hội số”, chuyên gia này nói.
Để chuyển đổi sang kinh tế số thành công
Các chuyên gia tin tưởng rằng, ở đất nước với hơn 2/3 dân số sử dụng Internet như Việt Nam thì cơ hội để phát triển Chính phủ điện tử thành công là rất lớn, qua đó phục vụ tốt hơn các dịch vụ công cho người dân là hoàn toàn khả thi. Trong đó theo bà Samia Melhem, bên cạnh quyết tâm triển khai Chính phủ điện tử và tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ, Chính phủ cần có những chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp họ thấy được những thuận lợi và tiện ích rất lớn, như khi chỉ phải ngồi tại nhà mình nhưng mọi người vẫn tiến hành được các giao dịch hay sử dụng các dịch vụ công trên nền tảng điện tử.
Trong khi đó theo bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, để chuyển đổi sang nền kinh tế số thành công, có ba vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần dành ưu tiên. Đầu tiên là cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp quốc gia về chuyển đổi sang kinh tế số. Cam kết chính trị này sẽ được các nhà lãnh đạo thể hiện ở các chiến lược Quốc gia mà trên thực tế Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua. Bên cạnh đó là tạo ra môi trường, khung khổ pháp lý cho kinh tế số. “Ngay cả khi có những dự án công nghệ được cho phép thử nghiệm và đánh giá mang lại kết quả tốt nhưng khuôn khổ pháp lý không theo kịp hay không được tạo ra kịp thời để cho phép họ mở rộng về quy mô áp dụng thì vẫn sẽ chỉ dừng lại ở những thử nghiệm”, bà Caitlin Wiesen nói.
Yếu tố thứ ba là cho phép triển khai thực hiện các thử nghiệm mang tính đột phá để cho người dân tiếp cận với các dịch vụ công theo cách số hóa. Và nếu các thử nghiệm mang lại hiệu quả tốt thì nên nhân rộng trên cơ sở có khung khổ pháp lý quy định cho môi trường số. Đó chính là những chuẩn bị tốt để tạo ra những bước nhảy vọt cho nền kinh tế trong thời đại số.
“Dự đoán tốt những xu thế mới về công nghệ và kinh tế số; nâng cao khả năng thích ứng của các cơ quan quản lý cũng như từng người dân; xây dựng ý thức sẵn sàng học hỏi, thậm chí chấp nhận thất bại để vượt qua và tiến về phía trước sẽ giúp đảm bảo được quá trình chuyển đổi kinh tế số của Việt Nam thành công mà không ai bị bỏ lại phía sau”, quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.