Lãi suất huy động tăng ở kỳ hạn dài
Điều hành lãi suất, tỷ giá năm 2016: Tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô | |
Cơ hội phát triển sản phẩm phái sinh | |
Lãi suất tiền gửi VND tại nhiều NH tiếp tục tăng |
Tăng huy động chưa quá lo
Từ đầu năm đến nay, một số NHTM như Eximbank, SeABank, OCB… đã có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn dài 13 tháng trở lên từ 8-8,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trong hệ thống, được ghi nhận tại thời điểm hiện tại. Tuy vậy, điểm đáng chú ý là các mức lãi suất này chỉ áp dụng cho đối tượng khách VIP, với số tiền gửi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Đề cập đến những thay đổi này, đại diện NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến một số NHTM áp dụng việc tăng lãi suất. Thứ nhất là do nhu cầu tín dụng tăng cao, bởi tính từ đầu 2016 đến nay tín dụng trên địa bàn tăng trên 1%, trong khi thông thường mọi năm các tháng quý I tín dụng tăng trưởng âm.
Thứ hai, việc tăng lãi suất là giải pháp để các NH cân đối lại nguồn vốn và dư nợ, khi nhu cầu vốn trung và dài hạn có tỷ trọng lớn trong khi huy động ở các kỳ hạn này còn hạn chế.
Thứ ba, các NHTM phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn để chuẩn bị cho khả năng Thông tư 36/2014/TT-NHNN (hiện đang dự thảo) sẽ được áp dụng trong thời gian tới, khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể giảm từ 60% hiện nay xuống 40%.
Lãi suất huy động kỳ hạn dài chỉ tăng cục bộ ở số ít NH |
Ghi nhận từ thị trường khu vực TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đến nay không phải tất cả các NHTM đều tăng lãi suất huy động mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số NH, và chủ yếu áp dụng cho các kỳ dài hạn. Một số NH quy mô nhỏ có điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn, nhưng số lượng không đáng kể. Vì thế, mức lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn dưới 6 tháng của hệ thống NH theo ghi nhận của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức dưới trần quy định là 5,5%/năm.
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank nhận định, việc tăng lãi suất huy động đến thời điểm này mới chỉ là động thái của các NHTM chứ chưa phải là động thái của thị trường. Muốn đánh giá tổng thể xu hướng lãi suất thì phải đánh giá từ nhiều khía cạnh chứ không thể chỉ căn cứ vào một biến thiên nào đó như sự trồi sụt lãi suất tại một số NHTM, hay lãi suất đồng đô la…
Lãi suất đầu ra ít ảnh hưởng
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, do việc tăng lãi suất của các NH là nhằm bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản ở một số kỳ hạn và cũng nhằm giữ chân khách gửi tiền. Chính vì vậy nếu người dân tiếp tục rút tiền để gửi vào các NH có lãi suất cao hơn thì một số NH chưa tăng lãi suất sẽ chịu áp lực thanh khoản. Đến khi đó, nếu cộng với ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như chu kỳ tăng lãi suất đồng USD của Fed thì các NHTM sẽ buộc phải cân nhắc về lãi suất.
Tuy nhiên, quan sát từ đầu năm 2016 tới nay có thể thấy, chưa có biểu hiện mất cân đối thanh khoản của hệ thống NH. Ngược lại, dòng tiền tiết kiệm lại đang có xu hướng chảy mạnh vào kênh NH, giúp thanh khoản của các TCTD ở mức khá dồi dào, nhu cầu vay mượn qua thị trường mở (OMO) theo đó giảm rõ rệt.
Trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế chưa thực sự vững mạnh để chấp nhận mặt bằng lãi suất cho vay cao, cộng với việc NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức 18-20%, các ý kiến nhận định rằng các NHTM khó có thể tăng lãi suất đầu ra trong ngắn hạn. Vì làm vậy sẽ khó có thể thu hút khách hàng vay vốn, từ đó khó hoàn thành chỉ tiêu tín dụng cả năm...
Quan sát ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, cơ hội để kìm giữ mặt bằng lãi suất cho vay của các NHTM lại càng rõ nét hơn. Bởi trong năm nay chỉ tính riêng chương trình kết nối NH - DN, các NHTM trên địa bàn đã đăng ký một gói tín dụng trị giá 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD. Toàn bộ gói tín dụng này đã được các NHTM cam kết cho vay với lãi suất ngắn hạn tối đa 7%/năm, trung dài hạn tối đa 8-10%/năm.
Như vậy, nếu trong suốt năm 2016, các NHTM trên địa bàn hoàn thành cho vay chương trình kết nối NH - DN thì gần như nguồn vốn cho vay ra thị trường sẽ không nằm trong khả năng bị tăng lãi suất…