Cơ hội phát triển sản phẩm phái sinh
Sau nhiều năm giữ cơ chế điều hành tỷ giá ở một biên độ nhất định trong năm, ngày 4/1/2016, NHNN đã chính thức thông báo cách thức điều hành tỷ giá mới dựa vào tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày làm cơ sở cho các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được phép hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối sát với tỷ giá mua, bán của VND với USD trong biên độ quy định.
Cùng với công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, NHNN cũng đã bổ sung thêm cách thức giao dịch với NHTM theo hợp đồng phái sinh, đồng nghĩa với việc áp dụng kỳ hạn trong quan hệ ngoại hối giữa NHNN với các TCTD, thay vì hợp đồng giao ngay như trước kia.
Ảnh minh họa |
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng: Với cơ chế điều hành này, các sản phẩm phái sinh trong đó có các sản phẩm kỳ hạn sẽ được đưa vào áp dụng phổ biến hơn, làm giảm đáng kể áp lực về mua bán ngoại tệ tại một số thời điểm nhất định; khiến tỷ giá phản ánh một cách đầy đủ hơn, sát thực hơn với cung - cầu thị trường.
Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng khẳng định, việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá là bước đi tiếp theo trong lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế.
Đây cũng là một giải pháp của NHNN trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như: thu hẹp đối tượng vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển dần việc huy động cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ… Bởi việc này sẽ giúp ích cho sự ổn định của tỷ giá hối đoái, đảm bảo sự ổn định trên thị trường ngoại tệ, tránh hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.
Tháng 10/2015, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 15 khuyến khích các NHTM sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng, giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống 0% với các tổ chức kinh tế và dân cư.
Thực tế diễn biến kinh tế thế giới những năm gần đây cho thấy ngày càng có nhiều hơn những biến động khó lường. Năm 2015, có thể thấy giá cả hàng hoá thế giới cũng như tỷ giá đã có sự biến động mạnh mẽ, đặc biệt là giá dầu.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối quốc tế cũng trải qua những đợt biến động mạnh của tỷ giá EUR/USD, USD/JPY; sự phá giá của CNY... Chính vì thế nhu cầu phòng ngừa rủi ro nói chung và rủi ro tỷ giá nói riêng của DN ngày càng cao.
Việc cung ứng các sản phẩm kinh doanh vốn và tiền tệ nhằm quản lý hiệu quả biến động giá cả hàng hoá và biến động tỷ giá là công cụ hiệu quả để hỗ trợ, đồng hành cùng DN trong bối cảnh hiện nay.
Các NHTM lớn ở Việt Nam hiện nay đã và đang cung cấp các sản phẩm nhằm quản lý hiệu quả biến động giá cả hàng hoá như: Tương lai hàng hoá (Futures), Hoán đổi giá cả hàng hoá (CoS), Quyền chọn giá cả hàng hoá (Option); và các sản phẩm quản lý hiệu quả biến động tỷ giá như Kỳ hạn (FX Forward), Hoán đổi tiền tệ chéo (CCS), Quyền chọn tiền tệ (FX Option).
Theo thống kê của NH thanh toán quốc tế (BIS), từ năm 2001, các sản phẩm quản lý biến động tỷ giá đã chiếm tới 70%, trong khi sản phẩm giao ngay chỉ chiếm 30%.
Cơ chế điều hành tỷ giá mới là động thái cần thiết và đúng lúc của NHNN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam, khi tính cạnh tranh được đặt lên hàng đầu. Một trong các yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ chính là việc quản lý chi phí hiệu quả. Các công cụ nói trên góp phần hỗ trợ DN chủ động trong việc tính toán chi phí, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp.
Các DN Việt Nam phần lớn chưa hoàn toàn làm quen với các công cụ phái sinh. Nên trong thời gian tới, chắc chắn mỗi NHTM sẽ phải tìm cách để quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn đồng thời phát triển mạnh mẽ hơn các sản phẩm phái sinh nhằm tạo lập thói quen sử dụng cho DN. 2016 được dự báo sẽ là năm tiếp tục có nhiều biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, và những sự biến thiên này sẽ tác động tới thị trường tài chính của ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Các sản phẩm phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá, và cả rủi ro giá cả hàng hóa sẽ là một trong những công cụ giúp DN Việt Nam đối mặt và chống chọi với những rung chấn, xoay vần của thị trường tài chính trên thế giới.