Lạm phát kỳ vọng
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát | |
Vẫn còn băn khoăn giá điện, lạm phát |
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, phát biểu tại phiên thảo luận ngày 30/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Trong ba năm qua, chúng ta liên tiếp kiểm soát được chỉ số CPI dưới 4%. Hết tháng 5/2019, chỉ số tăng 0,49% so với tháng 4; bình quân 5 tháng chỉ số này tăng 2,74% so với năm 2018. Thời gian sắp tới để kiên trì mục tiêu 3,3%-3,9% CPI, dự kiến Chính phủ sẽ thực hiện 5 biện pháp chủ yếu sau đây.
Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra. NHNN sẽ kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.
Thứ hai, chủ động theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường và giá để có giải pháp bình ổn; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu và khó lường như giá điện, giá xăng dầu, giá gas và một số mặt hàng đang có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng.
Thứ ba, tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của điều chỉnh giá điện. Tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới và có sử dụng công cụ bình ổn giá là Quỹ bình ổn để đảm bảo bình ổn theo mục tiêu.
Thứ tư, tăng cường công tác dự báo và tính toán các mặt hàng thiết yếu như nhiều đại biểu đề xuất. Chúng tôi sẽ điều chỉnh vào những thời điểm phù hợp và với liều lượng ở mức độ phù hợp theo mục tiêu chung.
Thứ năm, cần phải có công khai, minh bạch các chi phí đầu vào và tạo được niềm tin cho người dân, cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và kiểm soát lạm phát kỳ vọng…
Trong phát biểu của Phó Thủ tướng có hai thuật ngữ rất đáng chú ý: lạm phát cơ bản và lạm phát kỳ vọng. Nếu như lạm phát cơ bản có thể lượng hóa được bằng con số thì lạm kỳ vọng lại không thể đo trực tiếp mà chỉ có thể được ước lượng gián tiếp thông qua dự báo hay các thông tin từ thị trường tài chính và các cuộc khảo sát.
Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính (Trường đại học Kinh tế - Luật): Các yếu tố tác động lên lạm phát kỳ vọng khá phức tạp. Bởi, mỗi người tiêu dùng có hành vi tiêu dùng khác nhau, có rổ hàng tiêu dùng khác nhau nên cảm nhận về sự thay đổi giá của họ cũng khác nhau và có thể khác so với lạm phát thực tế được tính toán bởi các nhà kinh tế học.
Hơn nữa, mỗi cá nhân có những chiến lược riêng cho tương lai, nên những dự đoán về tương lai của họ cũng khác nhau. Các lý thuyết kinh tế cho thấy người tiêu dùng có trình độ học vấn khác nhau, lứa tuổi khác nhau, mức thu nhập khác nhau và đến từ các cộng đồng khác nhau có kỳ vọng tương đối khác biệt…
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thực tiễn một cách đơn giản hóa cho thấy, lạm phát tăng cao là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó khó kiểm soát hơn cả là sự kỳ vọng lạm phát tăng của người dân. Mức độ kỳ vọng lạm phát của người dân dựa vào diễn biến lạm phát trong quá khứ và dự báo xu hướng dịch chuyển của giá các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Do đó sự ổn định của kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng, tác động mạnh đến tâm lý kỳ vọng của người dân.
Vậy trong bối cảnh thế giới đang có nhiều yếu tố bất định như hiện nay người dân có thể nhìn vào những gì để tiếp tục tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô? Trước hết chính là cam kết, sự kiên định của Đảng, Chính phủ như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Bên cạnh đó, xem xét những yếu tố cụ thể, thực tiễn, theo TS. Trần Hoàng Ngân, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang có những chuyển biến rất phức tạp, tình hình kinh tế của nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng. Thứ nhất, GDP năm 2018 tăng trưởng 7,08% và đây là cao nhất trong 11 năm qua. Năm 2008, GDP bình quân đầu người năm là 1.140 USD, hiện nay là 2.590 USD. Thứ hai, chất lượng tăng trưởng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thứ ba, kinh tế vĩ mô chúng ta tiếp tục ổn định, kiểm soát lạm phát 4 năm liên tiếp dưới 4%. Các cán cân lớn như thương mại, cán cân vãng lai, cán cân cân đối quốc tế chúng ta thặng dư...