Lên kịch bản cho nợ công
Kiểm soát nợ công tạo dư địa cho tăng trưởng | |
Nỗi lo nợ công | |
Nợ nước ngoài của quốc gia lại sắp đụng trần |
Phải sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn
Cụ thể về vay trả nợ của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2017, Chính phủ Việt Nam tiếp tục huy động từ các nguồn vay trong nước, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ (TPCP), ngoài ra còn huy động từ các nguồn khác như vay Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Quỹ tích lũy trả nợ...; và vay nước ngoài, chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân để nâng cao hiệu quả đầu tư công |
Quy mô vay trong nước của Chính phủ tăng nhanh, từ mức 235 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên đến 342 nghìn tỷ đồng năm 2017, trong khi quy mô vay nước ngoài có xu hướng giảm, cơ cấu vay thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng ODA (do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình - MIC) và tăng tỷ trọng vốn vay ưu đãi.
Song, vay TPCP đã có sự điều chỉnh cơ bản theo hướng kéo dài kỳ hạn trái phiếu, tập trung phát hành từ 3 năm trở lên kể từ năm 2015. Nhờ vậy, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đã tăng từ 3,9 năm vào năm 2011 lên 12,74 năm vào năm 2017, lãi suất bình quân TPCP nhìn chung giảm (năm 2011 là 12,01%/năm, đến năm 2016 là 6,71%/năm và năm 2017 là 5,98%/năm), từng bước giảm dần các rủi ro về tái cấp vốn và rủi ro lãi suất đối với danh mục nợ Chính phủ, cơ cấu nhà đầu tư chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhà đầu tư từ các công ty bảo hiểm, hoặc các quỹ bảo hiểm và giảm dần tỷ trọng nắm giữ của các NHTM.
Vay nước ngoài của Chính phủ tập trung chủ yếu vào một số nhà tài trợ chính như: WB chiếm khoảng 29%; ADB chiếm 20%; Nhật Bản chiếm 34%; Trung Quốc 4%; Hàn Quốc 4% và Pháp 3%. Tổng vốn nước ngoài ký kết trong giai đoạn 2016-2017 đạt 9.198 triệu USD, trong đó vốn vay là 8.981 triệu USD (vay ODA: 6.781 triệu USD, vay ưu đãi: 2.200 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 216,8 triệu USD). Với sự nỗ lực và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Việt Nam đã thu hút được hết số vốn IDA của Ngân hàng Thế giới phân bổ cho Việt Nam trước khi tốt nghiệp nguồn vốn này vào ngày 1/7/2017.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết thực tế hơn 84 tỷ USD vốn ODA. Dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 2017 đã lên tới hơn 45,8 tỷ USD, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm khoảng 20,52% GDP và tỷ lệ ODA giải ngân/nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 7,9% đòi hỏi phải sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn và Chính phủ đã đề ra chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư nói chung, nhất là đầu tư công để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Kịch bản nào cho nợ công tương lai
Trong giai đoạn 2016-2017, Bộ Tài chính đã triển khai một số biện pháp nhằm kiểm soát tốc độ tăng nợ được Chính phủ bảo lãnh, theo hướng siết chặt việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ để đảm bảo an toàn nợ công. Qua đó, tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ từng bước giảm xuống, từ mức 27,5% năm 2011 xuống còn 1,4% năm 2016, góp phần đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Đối với vay trả nợ của chính quyền địa phương, trong năm 2016, tổng trị giá vay của chính quyền địa phương là 13.508 tỷ đồng, trong năm 2017, ước vay trong năm của địa phương là 14 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vay từ nguồn tồn ngân kho bạc nhà nước là 3,1 nghìn tỷ đồng; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là 5,44 nghìn tỷ đồng, vay từ nguồn Chính phủ về cho vay lại là 3,9 nghìn tỷ đồng, vay khác là 1,5 nghìn tỷ đồng...
Xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế giai đoạn 2018-2020 để làm cơ sở cho xây dựng kịch bản về nợ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 có thể diễn ra theo 2 kịch bản: cơ sở và cao. Trong đó, kịch bản cơ sở với nhiều khả năng xảy ra nhất.
Theo đó, giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định và duy trì tăng trưởng như những năm gần đây; đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả; điều hành chính sách hợp lý, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng đầu tư trung bình của giai đoạn tăng 7%... thì mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và lao động giá rẻ.
Nếu chính sách tiền tệ và tỷ giá tương đối linh hoạt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; các hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ giúp đầu tư và xuất khẩu Việt Nam cải thiện hơn. Khi đó, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018-2020 có thể đạt mức 6,53%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 3,92%.
Kịch bản cao, cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng đã đặt ra như kịch bản cơ sở, nhưng tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế được diễn ra mạnh mẽ hơn. Năng suất của nền kinh tế, hiệu quả đầu tư công sẽ được cải thiện rõ nét. Những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính được giải quyết triệt để. Khi đó, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn (tương ứng tăng trưởng kinh tế và lạm pháp trung bình của giai đoạn là 6,75% và 4,71%) mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Với các kịch bản về tăng trưởng kinh tế và cơ cấu nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn tới thì dự báo về mức nợ công theo kịch bản cơ sở, năm 2018, nợ công/GDP là 63,92%; năm 2019 là 63,46% và năm 2020 là 62,58%.
Trong một Báo cáo với tiêu đề “Chính phủ Việt Nam: Câu hỏi thường gặp về triển vọng tăng trưởng, thương mại và nợ Chính phủ” vừa được công bố mới đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s cho rằng, tăng trưởng kinh tế mạnh sẽ tiếp tục ở Việt Nam trong vài năm tới và hỗ trợ ổn định nợ. Theo Moody’s, đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi khả năng cạnh tranh tăng cao của nền kinh tế, dòng chảy thương mại và sức tiêu dùng mạnh mẽ, nhưng rủi ro mang tính chu kỳ của thị trường tài chính vẫn là một rào cản đối với nền kinh tế. Những cải thiện về sức cạnh tranh này, kết hợp cùng với dòng chảy thương mại và tiêu dùng nội địa mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP trung bình ở mức 6,4% trong giai đoạn 2018-2022, gần gấp đôi mức trung bình 3,5% đối với các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm nợ chủ quyền ở mức Ba3 như Việt Nam. Về nợ của Chính phủ, Moody’s cho biết, với tỷ lệ 52% GDP, nợ của Chính phủ hiện nay là khá tương đồng với mức trung bình khoảng 50% đối với các quốc gia có xếp hạng nợ chủ quyền ở mức Ba. Trong khi, tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa nhanh chóng sẽ ổn định nợ ở mức này. Không những vậy cơ cấu nợ đã được cải thiện, với kỳ hạn nợ dài hơn và tỷ trọng nợ ngoại tệ giảm đang hạn chế rủi ro của Việt Nam đối với các cú sốc tài chính. |