Lên sàn và “cất cánh”
Đầu tư cổ phiếu nào? | |
Khi ngân hàng đồng loạt lên sàn | |
Chọn cổ phiếu ngân hàng nào? |
Sau một thời gian dài im ắng, khá nhiều các cổ phiếu “vua” – tức NH – đang lên kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm sau như trường hợp của VPBank, Techcombank hay VIB. Nhưng niêm yết là một chuyện, sau đó liệu các cổ phiếu này có “cất cánh” được hay không lại là một câu chuyện đáng bàn khác.
Trong chiến lược cạnh tranh, việc các NH niêm yết trên thị trường chứng khoán được xem là chủ trương đúng đắn, giúp minh bạch thêm thông tin cho nhà đầu tư và các nhà quản lý, nhất là trong bối cảnh sức khỏe của hệ thống NH vẫn là ẩn số khó đoán cho thị trường.
Vốn điều lệ của các NH thường khá lớn, một khi niêm yết sẽ cung cấp một lượng cổ phiếu không nhỏ cho thị trường, giúp gia tăng thanh khoản và nâng cao tỷ lệ vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương quan so sánh với các thị trường khu vực.
Nhiều NH lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm mới |
Ngoài ra, kế hoạch niêm yết của VPBank, Techcombank, VIB còn mang đến thông điệp mạnh mẽ hơn đối với ngành tài chính trong bối cảnh khá nhiều NH vừa và nhỏ khác vẫn đang vật lộn với quá trình tái cấu trúc. Họ cũng là những định chế tư nhân có chất lượng tài sản khá tốt, sở hữu lợi thế cạnh tranh rõ ràng, thương hiệu, cùng đội ngũ quản lý có tầm nhìn và thực lực nên có thể thu hút được phần nào sự quan tâm của các nhà đầu tư khi niêm yết.
VPBank đang là người dẫn đầu trên thị trường cho vay tiêu dùng – nơi chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng chục % trong các năm gần đây, với khá nhiều sản phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu mua sắm, đi du lịch ngày càng tăng của người dân. Năm 2015, thị phần cho vay tiêu dùng của FE Credit (công ty tài chính thành viên của VPBank) khoảng 53%, tương ứng tổng dư nợ 20.208 tỷ đồng, bỏ xa người đứng thứ hai là Home Credit (16%) hay Prudential Finance (11%).
Bên cạnh mảng cho vay tiêu dùng, phân khúc khách hàng DNNVV có thể trở thành trụ cột mới thúc đẩy kinh doanh cho VPBank trong các năm tới nhờ định hướng phát triển của Chính phủ để đưa tổng số DN Việt lên 1 triệu vào 2020.
Đối với những người quan tâm đổi mới sáng tạo, Techcombank có thể là cái tên đáng chú ý. Năm 2001, ngành NH từng dậy sóng với việc một NH tư nhân còn non trẻ dám bỏ ra một lượng tiền lớn đầu tư vào hệ thống quản lý NH tổng thể (Core Banking) của Thụy Sĩ. Đó là một trong những dấu ấn tạo nên thương hiệu riêng cho Techcombank.
Techcombank cũng là một trong những NH nội địa “kết duyên” với khối ngoại sớm nhất. Vào 2005, HSBC đã mua 10% cổ phần của Techcombank và nâng tỷ lệ lên mức đụng trần 20% vào 2008.
Sau khi tăng trưởng chậm lại giai đoạn 2012 – 2014 với những biến động ở đội ngũ lãnh đạo, kết quả kinh doanh của Techcombank đã khởi sắc mạnh mẽ kể từ 2015 đến nay. Theo báo cáo tài chính quý III/2016, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Techcombank là 2.864 tỷ đồng, tăng 84,6% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng tài sản 222.769 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2015, dư nợ cho vay đạt hơn 135.600 tỷ đồng, tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự như Techcombank, VIB là một NH mạnh dạn đầu tư vào công nghệ số và di động. Năm 2015, VIB từng đạt giải thưởng của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG cho hạng mục “Ứng dụng NH di động sáng tạo nhất Việt Nam” với ứng dụng NH trên di động MyVIB. Trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản VIB đã đạt 93.079 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 14,46% và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức khá thấp 1,49%.
Xem ra, VPBank, Techcombank hay VIB có thể sẽ mang đến một luồng gió mát cho thị trường chứng khoán trong năm 2017? Mặc dù vẫn có nhiều điều chưa rõ về năng lực tạo sóng của các cổ phiếu NH.
Trong 9 NH niêm yết trên sàn khoán tính đến thời điểm này, ngoại trừ cổ phiếu VCB của Viecombank hiện có giá khá cao, hơn 36.000 đồng, tương ứng với chỉ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu đạt xấp xỉ gần 19x thì hầu hết các mã cổ phiếu NH khác như CTG, MBB, SHB, BID, Sacombank, ACB, NCB, Eximbank đều có giá chỉ từ 1 chấm đến thấp hơn mệnh giá, thậm chí nhiều cổ phiếu còn rẻ hơn một bó rau. Giá cổ phiếu của VPBank, Techcombank đang dao dộng trên thị trường OTC trong mấy ngày qua cũng khá thấp, chỉ trong biên độ 16.000 – 20.000 đồng/cp.
Trong bối cảnh chỉ số VN-Index tăng trưởng hơn 15% cho năm nay và tình hình nợ xấu được dự báo vẫn tiếp tục gây áp lực lớn trong 2017, sẽ khá khó khăn cho các cổ phiếu NH tăng điểm mạnh mẽ và trở về thời kỳ hưng thịnh như cách đây vài năm, nếu không có những sự ủng hộ về chính sách.
Thực tế thì các cổ phiếu NH vẫn được khối ngoại xem trọng nhờ vai trò quá lớn của chúng đối với nền kinh tế. Nhưng với trần giới hạn 30% hiện nay, một số nhà đầu tư ngoại đã phải dừng bước bởi tỷ lệ sở hữu này không cho phép họ tác động đáng kể đến định hướng chiến lược và bộ máy hoạt động của NH.
Một khi khối ngoại không tham gia tích cực, các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực tài chính hạn chế hơn cũng sẽ do dự, bởi nếu so về cổ tức bằng tiền mặt nhận được trong các năm qua, ngành NH vẫn còn kém xa so với khá nhiều các lĩnh vực khác như xây dựng, hay tiêu dùng.