Chọn cổ phiếu ngân hàng nào?
Cổ phiếu ngân hàng: Năm của kỳ vọng | |
Cổ phiếu ngân hàng: Rủi ro thì mặc rủi ro! | |
Mua vào cổ phiếu ngân hàng? |
Theo ghi nhận của chuyên viên phân tích CTCK Rồng Việt, hiện nay ngân hàng (NH) đang trở thành đầu tàu của VN-Index. Minh chứng là kể từ cú huých mạnh của dòng tiền khối ngoại vào các mã cổ phiếu NH (phiên 22/4/2016), các cổ phiếu NH đã được khối nội lưu tâm và thanh khoản tăng cao đột biến.
Đồng thời, giá một số cổ phiếu NH có thanh khoản cao cũng đang trên đà hồi phục từ đáy, tiêu biểu như: VCB (Vietcombank), BID (BIDV), CTG (VietinBank). Tính từ phiên đột biến 22/4, chỉ số ngành này đến nay đã tăng hơn 10%.
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh hai quỹ ETFs án binh bất động 5 tuần liên tục, dòng vốn ngoại là tác nhân chính giúp cho cổ phiếu NH tăng điểm. Như đã nói ở trên, 3 cổ phiếu thanh khoản cao trong nhóm NH mỗi ngày đều củng cố giá trị tăng lên và đang trong hành trình vượt ngưỡng kháng cự dài hạn.
Theo chia sẻ của chuyên viên phân tích kỹ thuật, VCB và BID đã vượt ngưỡng kháng cự dài hạn khá vững chắc. Duy chỉ có CTG mới vừa chạm ngưỡng kháng cự dài hạn. Mỗi lần thị trường giằng co mạnh tại BID và CTG, nhà đầu tư có thể để kiểm chứng lại việc hình thành xu hướng giá tăng của hai cổ phiếu này, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đã được thu hút vào cuộc chơi.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa NH và dòng vốn ngoại, các chuyên viên phân tích của Rồng Việt đưa ra một số dữ liệu mới, giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn trong đầu tư. Cụ thể, BID nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng mã cổ phiếu này sẽ đến thời điểm đạt chuẩn vào rổ chỉ số quỹ ETFs trong năm 2016.
Hiện tại, BID vẫn chưa thỏa điều kiện về tỷ lệ tự do giao dịch. Tại đại hội cổ đông BIDV vào cuối tháng 4, NH này đã trình với cổ đông các kế hoạch phát hành tăng vốn thêm 9.446 tỷ đồng và nếu thực hiện theo đúng kế hoạch này thì tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV có thể tăng lên khoảng 9,7%, thỏa điều kiện của quỹ ETFs.
Tuy nhiên, “nhà đầu tư cũng cần lưu ý năm ngoái BID cũng đã từng bị bán rất mạnh sau các nhầm lẫn về việc đưa BID vào rổ của quỹ ETFs. Do đó, hiện tại, khi kế hoạch phát hành của BIDV vẫn chưa rõ ràng, chúng tôi không cho rằng BID sẽ được vào rổ ETFs trong kỳ tái cơ cấu tiếp theo”, một chuyên viên phân tích nói.
Đối với VCB và CTG cũng vậy, vấn đề nâng tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài lên mức trên 30% là thông tin khá quan trọng. Tuy nhiên, theo lộ trình cho đến năm 2020 tại hai NH này thì tỷ lệ sở hữu Nhà nước mới giảm về mức 65%. Về tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, VCB đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để phát hành riêng lẻ 10% vốn trong khi CTG vẫn đang theo đuổi đề xuất được thí điểm tăng giới hạn sở hữu nước ngoài lên mức 40% với NHNN.
Cho năm 2016, không bao gồm kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, VCB dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% trong khi CTG chưa có kế hoạch cụ thể nào đối với việc tăng vốn trong năm 2016. Ngoài ra, thông tin nới room này thường xuyên được lặp lại mỗi lần cổ phiếu NH có sóng.
Do đó, thị trường dường như đang cố gắng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư vào nhóm NH với các thông tin không mới, đặc biệt là sự đầu tư khủng của khối ngoại. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư ngắn hạn, dòng tiền luôn là ưu tiên số một. Do đó, nếu thanh khoản tại các cổ phiếu NH duy trì, dòng tiền của các nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ gia tăng trong các phiên tiếp theo.
Một điểm cũng cần lưu ý với ba cổ phiếu NH là những NH này đang có trạng thái các chỉ số định giá khá khác biệt nhau. VCB có chỉ số (ROE và ROA) hoạt động đạt chuẩn chung của các NH trong khu vực. Trong khi đó, CTG và BID hiện có chỉ số ROA thấp hơn so với chuẩn chung của khu vực.
Nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu NH có hai lựa chọn trong lúc này đối với ba cổ phiếu trên: chọn cổ phiếu có hoạt động kinh doanh ổn định nhưng giá không quá rẻ (VCB) hoặc chọn sự mạo hiểm với khả năng sinh lời cao nhưng các chỉ số hoạt động chưa đạt mức ấn tượng (BID, CTG)?